Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Đưa chữ vào tranh

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Đưa chữ vào tranh

1. Những ký tự xa xưa của con người khi đã thành ngôn ngữ giao tiếp, sáng tạo nghệ thuật đã để lại biết bao áng văn chương bất hủ của con người. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lý giải ý nghĩa cuộc triển lãm Dòng chảy V- Những con chữ (*), xuất phát ban đầu từ sự “mê chữ”, thích đọc sách, yêu văn học nghệ thuật của mình và trên hết cũng từ lòng trân trọng tài năng, tài hoa của những thế hệ văn nghệ sĩ đã đóng góp nên nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
 
Và, phải chăng còn một lý do riêng, vừa đối nghịch, vừa bổ sung, khó giải thích: do bố chị, nhà văn Kim Lân quá yêu hội họa, còn chị lại quá yêu chữ nghĩa? Là con gái của nhà văn Kim Lân, ngay từ bé, Nguyễn Thị Hiền có cơ may được tiếp xúc khá nhiều với giới văn nghệ sĩ bạn bè của bố như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Anh Thơ, Nguyễn Đình Thi, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán… Nói về tuổi trẻ của mình, Nguyễn Thị Hiền đã kể đến những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè trang lứa, một thế hệ văn nghệ sĩ, trí thức  trưởng thành trong thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt: Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Đào Trọng Khánh, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Dương Tường, Vương Trí Nhàn…

Tranh sơn mài bút tích của nhà thơ Phạm Hổ trong triển lãm Dòng chảy V - những con chữ.
Tranh sơn mài bút tích của nhà thơ Phạm Hổ trong triển lãm Dòng chảy V - những con chữ.

Suy nghĩ về những người từng gặp, từng quen biết, từng được đọc, được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật và cảm thụ về nghệ thuật của họ, đã nhen nhóm từ lâu trong tâm tưởng Nguyễn Thị Hiền. Để rồi, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Thị Hiền hết sức quyết liệt đưa Những con chữ vào 54 bức tranh sơn mài và 8 bức tượng ra đời.

2. Chọn lọc câu chữ bút tích bộc lộ phần nào quan niệm sáng tác hay phong cách nghệ thuật, “một kiểu ADN” của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… để rồi biến chữ, hòa quyện chữ, bố cục chữ vào đường nét, hình ảnh, sắc màu đã trở thành một thế giới nghệ thuật riêng của Nguyễn Thị Hiền. Vẽ chữ, vẽ ngôn từ nghệ thuật, có tác giả được cảm nhận và thể hiện chữ vào hình ảnh, hình khối cụ thể nhưng cũng có tác giả được Nguyễn Thị Hiền thể hiện chữ vào màu sắc, mang tính khái quát, trừu tượng.
 
Cho nên, xem tranh Nguyễn Thị Hiền, người thưởng ngoạn mang tâm trạng vừa thú vị, vừa hiếu kỳ với những câu thơ, dòng chữ thoắt ẩn, thoắt hiện, nhỏ, to lấp lánh trong nghệ thuật tranh sơn mài. Đó là bức sơn mài có hình khối với bút tích của nhà văn Kim Lân “Để lại cho con, vẫn kỳ vọng ở con gái yêu của thầy”; bút tích của nhà thơ Huy Cận “Nằm trong tiếng nói yêu thương, Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời…”; bức sơn mài màu sắc với bút tích của họa sĩ Bùi Xuân Phái “Sức sống- một điều kiện để làm nghệ thuật; lòng say mê – một sức mạnh ghê gớm”; hay bút tích của Nguyễn Huy Tưởng “Lá cờ nước bay trên đỉnh Tháp Rùa…”.

Ở một số bức tranh khác, cũng vẽ bằng cảm xúc của màu, nửa hiện thực, nửa trừu tượng, người xem có thể dừng rất lâu với bài thơ Khi em ngẩng đầu lên của Lưu Quang Vũ; bức tranh với bút tích của đạo diễn Đào Trọng Khánh “Lòng em giàu như một mảnh vườn hoang; Mùa quả chín lũ trẻ nghèo hái trộm. Ai còn nhớ những cành khô quả rụng. Mùa thu vàng trong rãnh nước lá ba giăng”… Như một dòng chảy theo thời gian, Những con chữ phong phú hơn với bức vẽ và bút tích các nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Thụy Kha, Nguyễn Ngọc Tư… Bên cạnh, Nguyễn Thị Hiền có thêm các bức sơn mài vẽ chữ Chăm cổ và thơ Irasara Phú Trạm…

Đưa chữ vào tranh từng được thể hiện khá quen thuộc qua những bức thư họa thủy mặc, thơ đề vịnh tranh tố nữ của người xưa hay thơ trong tranh sơn dầu, thơ trên gốm của nhiều tác giả trong, ngoài nước ngày nay v.v... Nhưng, với cách thể hiện sáng tạo độc đáo, hài hòa giữa hồn chữ và hồn tranh qua những bức sơn mài mang màu sắc truyền thống và hiện đại, Nguyễn Thị Hiền, đã tạo nét mới lạ, giàu cảm xúc cho người xem. Những con chữ được coi là dự án mở đầy thách thức nhưng cũng nhiều hứa hẹn. Có thể, nó sẽ còn thu hút người xem ở sự “lạ hóa” ngôn ngữ hội họa, khi Nguyễn Thị Hiền tâm huyết đi tìm và thể hiện qua tranh, tượng sự cộng hưởng giữa các nền văn hóa từ những ký tự, ngôn từ nghệ thuật các dân tộc.

KIM ỬNG

(*) Triển lãm từ 21 đến 27-10 tại 218A Pasteur, quận 3.

Tin cùng chuyên mục