Đến với Trường Sa chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng những cột mốc tiền tiêu của Tổ quốc trên biển đã chiếm trọn trái tim của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Sau tác phẩm đầu tiên ở Trường Sa lá cờ Tổ quốc khổng lồ bằng gốm sứ hoàn tất, nhiều công trình nghệ thuật khác của chị tại đây cũng đã và đang được hoàn thành, góp phần đem đến nhiều gam màu mới trên mảnh đất ngập nắng, gió ở Trường Sa. Với chị, đó không chỉ là những tác phẩm để đời mà còn là nguồn cổ vũ, để người nghệ sĩ gửi gắm tình yêu của đất liền vào những công trình nghệ thuật trên biển.
Một góc công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, Trường Sa, Việt Nam
- Phóng viên: Căn nguyên nào đã dẫn chị đến với những công trình nghệ thuật trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc?
- Họa sĩ NGUYỄN THU THỦY: Tôi cũng như bao người Việt Nam khác, tình yêu dành cho biển đảo quê hương không bao giờ vơi cạn. Vì thế, năm 2011, khi có cơ hội được ra đảo, tôi đã nảy ra ý tưởng đầu tiên về một lá cờ Tổ quốc bằng gốm cỡ lớn trên bề mặt đảo Trường Sa Lớn, để từ trên không trung (vệ tinh, Google Earth và máy bay) tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Nam trên đảo của Việt Nam. Công trình hoàn thành và đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ của Việt Nam nổi bật trên nền cây cối xanh tươi của Trường Sa Lớn như một sự khẳng định chủ quyền không thể chối cãi trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, mong muốn được làm nhiều hơn những công trình có ý nghĩa nghệ thuật trên đảo đã được nung nấu và dần trở thành hiện thực với sự chung tay giúp sức của nhiều đơn vị. Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu tiên trên biển cũng vừa được khánh thành những ngày cuối tháng 5 vừa qua trên đảo Sơn Ca (Khánh Hòa) cũng thể hiện tinh thần và ý chí ấy.
- Chị có thể chia sẻ thêm về công viên đặc biệt này?
- Ý tưởng xây dựng công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp hình thành từ tháng 5-2014 khi tôi được đến thăm đảo Sơn Ca và nhìn thấy khuôn viên mang tên đại tướng do các chiến sĩ trẻ đảo Sơn Ca dành 103 ngày công để thực hiện. Ý tưởng tạc một bức tượng chân dung tôn vinh vị đại tướng huyền thoại của dân tộc tại khuôn viên của đảo Sơn Ca được hình thành và nhận được sự ủng hộ từ Bộ Tư lệnh Hải quân. Sau đó, một khu đất rộng 400m2 đã được quy hoạch dành cho việc xây dựng công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau nhiều tháng chuẩn bị trên đất liền và 2 tháng thi công liên tục trên đảo, công trình công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành. Công trình thể hiện tình cảm trân trọng và tri ân sâu sắc của triệu triệu người dân Việt Nam dành cho vị đại tướng huyền thoại của dân tộc, đồng thời cũng minh chứng rõ ràng cho ý chí quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trung tâm công viên là bức tượng chân dung Đại tướng cao 1,76m, ngang 1,76m do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo tạc từ đá sa thạch xanh xám nguyên khối. Phía sau tượng là bức tường hình vòng cung dài 24m, cao 2,5m, gắn gần 300 hình ảnh tư liệu lịch sử in trên gốm. Ảnh tư liệu lịch sử được sắp xếp công phu theo trình tự lịch sử, thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 22-12-1944 tại chiến khu Trần Hưng Đạo khi ông thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, những chiến dịch, những trận đánh và những chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Chị đã thi công nhiều công trình nghệ thuật công cộng bằng gốm mosaic, nhưng ở biển, dường như mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều?
- Đúng vậy, trước hết là sự cách trở về khoảng cách, vì thế, tôi đã chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu ở nhà hết sức cẩn thận. Khi ra tới đảo, chỉ cần thiếu một chút keo, một chiếc đinh vít... cũng có thể khiến tác phẩm không hoàn thiện. Thêm nữa, do có kinh nghiệm làm lá cờ gốm khổng lồ cùng những bức tường gắn gốm lớn trên đảo Trường Sa Lớn nên chúng tôi cũng đã tìm được loại keo kết dính phù hợp với môi trường ngoài đảo. Thép xây dựng công trình mua xong tập kết ở Vũng Tàu để công binh mạ kẽm, chống sự ăn mòn của nước biển. Xi măng sử dụng cũng phải chống được mặn.
Trong suốt quá trình thi công công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, tôi và các đồng sự đều luôn tâm niệm tất cả đều phải thật đẹp, thật trang trọng để xứng đáng với tình cảm trân trọng và kính yêu của triệu triệu người dân Việt Nam dành cho vị đại tướng huyền thoại của dân tộc. Nhóm công binh đã công tác ở đảo 20 tháng liên tục, thời gian thậm chí còn dài hơn các chiến sĩ đi nghĩa vụ trên đảo. Họ từng rất mong muốn được về nhà, nhưng khi cần ở lại xây dựng công viên, họ đã vui vẻ và sẵn sàng ở lại làm cho tới lúc công trình kết thúc.
- Chị giờ đã có trong tay 4 công trình nghệ thuật lớn trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa và dường như các tác phẩm sẽ không dừng lại ở con số đó?
- Giữa biển khơi, bức tượng đại tướng như điểm tựa, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ và các thế hệ người dân trên đảo bảo vệ và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và với tôi cũng vậy. Tình yêu với biển đảo đã và sẽ tiếp sức tôi trên con đường nghệ thuật, để đưa biển đảo xích lại gần hơn với đất liền.
THU HÀ (thực hiện)