Mang 52 tác phẩm sơn mài, sơn dầu khổ to từ Hà Nội vào TPHCM, bạn bè đồng nghiệp không ít người đã gọi đùa Phạm Huy Hùng là “người xóm liều”. Anh luôn khát khao được giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng phương Nam.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1999, chàng họa sĩ đất Thanh Hóa từng có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại Việt Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội và lần này là cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 2 của anh, tại Bảo tàng Mỹ thuật, 97A Phó Đức Chính, quận 1 TPHCM (*).
Đi tìm con đường nghệ thuật theo cảm nhận và quan niệm riêng của mình là một thử thách không ít khó khăn, Phạm Huy Hùng đã từng thử nghiệm vẽ tranh lụa, sơn dầu, sơn mài và cuối cùng anh tìm thấy từng đặc điểm riêng của mỗi thể loại có thể chuyển tải tâm tư người sáng tác một cách phong phú.
Thưởng thức tranh của anh, người xem có thể bắt gặp hai khía cạnh: tình cảm và suy nghiệm. Hình tượng trong tranh, khi thì thể hiện những cảm xúc rất “nóng”, đầy tính hiện thực về sự đấu tranh, chống chọi của con người đối với thiên nhiên, từ sự biến đổi khí hậu hay những hệ quả ứng xử của con người đối với đất, trời qua tác phẩm Trong mưa bão, Đất quê, Trời, Đất và Người; có lúc là sự phê phán “thói đời” trong cuộc sống, về sự bon chen, tranh giành quyền lợi, sự ứng xử “thượng đội, hạ đạp” của con người qua tác phẩm Chiếc ghế; hoặc, con người với sự tự đối thoại, phân thân đầy tính châm biếm qua Chân dung tự họa…
Thế nhưng, cảm xúc tin yêu cùng tình cảm muôn thuở và đối tượng sáng tác của nghệ sĩ vẫn là tình yêu, là cái Đẹp. Đó là nét dung dị đặc sắc còn được tìm thấy qua sự rung cảm mô tả Những đám mây 1,2,3,4,5… Từng tác phẩm mang nghệ thuật cách điệu nét đẹp của người phụ nữ qua mảng tranh sơn mài hay ý nghĩa hình tượng Sự sống tươi đẹp thể hiện qua mảng tranh sơn dầu của họa sĩ.
Ở khía cạnh thể hiện suy nghiệm, bộc lộ qua những tác phẩm mang tính triết lý như Tứ pháp 1,2,3,4, Những chiều hướng vận hành 1,2,3,4,5… là cách tác giả vận dụng nghệ thuật sơn mài truyền thống và vận dụng triết lý dân tộc từ hình ảnh, ý nghĩa hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, mô tả ngọn nguồn văn hóa dân tộc luôn hướng thượng, hướng thiện; sự vận động không ngừng của thời gian, thể hiện qua hình ảnh những con vật trong lịch 12 con giáp vẫn song hành cùng những con số điện tử nhấp nháy trong điện thoại di động thời @... Có thể nói, đó là những nét riêng độc đáo được tác giả thể hiện qua những tác phẩm.
Bày tỏ quan niệm nghệ thuật và xu hướng sáng tác dựa vào truyền thống dân tộc, văn hóa Việt Nam trên trống đồng, với tinh thần khám phá và mong muốn không ngừng tự hoàn thiện mình trong tương lai, họa sĩ Phạm Huy Hùng bộc bạch tại buổi triển lãm: “Tôi nhận thấy từ nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam toát nên niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười sảng khoái, hóm hỉnh và hài hước nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Những nội dung triết học cao siêu được biểu đạt nhẹ nhàng, tự nhiên và thấm đẫm tình người. Cái đẹp, cái cao thượng vượt trên hết những đau thương, chia ly, tan tác hay khổ ải đời thường… Văn hóa truyền thống Việt Nam ta đọc được từ góc nhìn nghệ thuật tạo hình đích thực là thứ văn hóa tỏa sáng, rạng ngời trên mỗi hoa văn”.
(*) Triển lãm kết thúc ngày 24-9-2011
KIM ỬNG