1. Từ nhỏ Phúc An đã sớm bộc lộ tình yêu với mỹ thuật. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, nhà không có ai theo nghệ thuật nên con đường đến với đam mê của anh không mấy dễ dàng. Một lần, người chú ở Sài Gòn về thăm, quà cho cậu bé là một tập sách tranh. Cậu ôm riết tập sách cứ thế mà nguệch ngoạc, say sưa vẽ theo. Tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, Phúc An vừa sáng tác vừa không ngừng học hỏi kiến thức từ những họa sĩ bậc thầy và đồng nghiệp. Sinh trưởng ở Gò Công, với tình yêu cho miền quê đã gắn bó từ thuở thiếu thời nên xứ biển đã đi vào tranh anh sớm nhất. Những giàn đáy trơ gan cùng sóng gió, những con tàu tụ hội nơi cảng cá Vàm Láng, ngư dân lưng trần sạm nắng, dáng người cần mẫn trên bãi nghêu Tân Thành… Hình ảnh quê hương còn là những ký ức không quên thời trẻ thơ: Bà mẹ lom khom trên bãi cát bắt từng con còng; đám trẻ con lam lũ trên cánh đồng nhiễm mặn, nứt nẻ…
Họa sĩ Phúc An và các em nhỏ tại lớp học vẽ miễn phí ở xã Thạnh Đức, Bến Lức, Long An
Còn nhớ năm 2009, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, lần đầu tiên Phúc An ra mắt triển lãm cá nhân “Hương sắc miền Tây”. 32 bức tranh sơn dầu khổ lớn, đa phần là tĩnh vật đã khiến công chúng không khỏi ngỡ ngàng. Hoa trái miệt vườn nghiễm nhiên đi vào tranh anh một cách hồn nhiên, mộc mạc và có sức hấp dẫn kỳ lạ. Múi mít như thơm lừng, còn đượm hương lá chuối. Chùm vú sữa mới hái lá tươi xanh được ấp ủ trong nếp khăn rằn. Chùm khế ngọt như vung vẩy trong chiếc nón lá cời. Buồng chuối chín như còn đang tỏa hương thơm. Rồi cơ man nào là dừa xanh nõn, mãng cầu, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long, xoài, mận… đến những hình ảnh chân quê như bến tàu, cầu tre, ao sen, chiếc vó cá thân thương, gắn với người miền quê qua bao thế hệ. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, dưa hấu Gò Công, xoài cát Hòa Lộc, những sản vật địa phương hiện lên trong tranh Phúc An vừa sinh động, gần gũi, vừa tự hào, đầy yêu thương. Tranh của anh cho thấy năng lực mạnh mẽ của việc cảm nhận ánh sáng, màu sắc và chuyển tải cảm xúc, khiến người xem có thể cảm nhận được mùi hương, vị ngọt của biết bao cây trái miệt vườn như đang toát ra qua từng nét cọ. “Hương sắc miền Tây” rất tĩnh, rất im lặng mà lại nói được nhiều điều với người xem.
Hơn chục bức sơn dầu trong tổng số 32 tranh được giới sưu tập mua ngay sau triển lãm, là một con số thành công hơn cả mong đợi, tiếp thêm sức mạnh để anh theo đuổi con đường nghệ thuật. Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, gọi Phúc An là một họa sĩ trẻ giàu lòng yêu nghề. “Một hướng đi giàu chất chân thực, gần với thiên nhiên và đầy triển vọng, là con đường nghệ thuật đang mở ra cho người họa sĩ trẻ đất Nam bộ. Phúc An là một tài năng đang trên đường phát triển với tấm lòng say mê nghệ thuật thật sự”, ông Uyên Huy nói.
2. Không chỉ có trái cây, nghệ thuật hội họa của Phúc An đã dấn thêm một bước xa hơn. Người ta bắt gặp trong tranh của anh nét sâu lắng của đời sống miền quê. Đó là chiếc nón lá rách tơi của mẹ, chiếc khăn rằn nhăn nhúm trên cổ còn ướt đẫm mồ hôi của cha, những chiếc nồi ám đen lủng lẳng trong góc bếp, cái rổ tre bung vành, cánh võng nhẹ êm, cây đèn dầu leo lét trong đêm… Dù là chủ đề hay chỉ để điểm xuyết làm nền, tất cả đều được Phúc An chắt lọc kỹ càng, tạo hiệu quả cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ, người xem như được trở về một vùng ký ức ấu thơ đằm thắm. Trên tất cả, đó là một tình yêu quê hương thiết tha, sâu đậm của người nghệ sĩ.
Thạc sĩ, họa sĩ Phan Mai Trực nhận xét, người họa sĩ vẽ tranh không phải ai khi xem cũng có thể cảm được, nhưng tranh Phúc An đã làm được điều đó. “Tranh Phúc An gần gũi thân quen như những tấm áo bà ba đậm nét duyên dáng của những cô thôn nữ, như lá với cành, như trái với hoa, như sóng với nước, như mây với mưa, thật yêu thương hồn hậu, thấm đậm tình người”, ông Mai Trực nói.
Khoảng 2 năm qua, người dân ở Long An đã quen thuộc với hình ảnh lớp dạy vẽ cho thiếu nhi ở ấp 6 xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Lớp học thường xuyên có 40-50 em, cao điểm có lúc 120 em. Các em theo học tại đây đủ các lứa tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi, cho đến học sinh các cấp 1, 2, 3. Những người lớn tuổi, đã có gia đình, nhưng yêu hội họa vẫn đến học. Lớp do họa sĩ Phúc An tổ chức, trực tiếp đứng lớp và dạy hoàn toàn miễn phí cho thiếu nhi. Để tiếp thêm lửa đam mê, anh còn trích một phần lợi nhuận bán tác phẩm của mình, mua tặng bút màu, giấy vẽ cho học sinh, mỗi năm hàng chục triệu đồng. “Các em cho tôi nhớ lại tuổi thơ của mình. Tôi muốn truyền đam mê để các em có kiến thức cơ bản, khuyến khích các em theo đuổi mỹ thuật. Làm được gì cho các em nghèo, tôi đều sẵn sàng”, họa sĩ trẻ tâm sự.
Từ năm 2004 đến nay, Phúc An tham gia hơn 30 cuộc triển lãm trong nước. Anh nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, khu vực ĐBSCL, Hội Mỹ thuật TPHCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2017, anh vừa được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ Khoa Huân lần thứ II (5 năm xét tặng 1 lần) vì có nhiều cống hiến về sáng tác và công sức xây dựng phong trào văn học nghệ thuật do UBND tỉnh Tiền Giang trao tặng.
Phúc An có tranh nằm trong bộ sưu tập tư nhân của các nhà sưu tập đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Canada, Thụy Sĩ, Singapore…