
Họa sĩ Thành Chương nổi tiếng với phong cách vẽ “rất Thành Chương”. Những năm gần đây tên tuổi ông còn gắn với một địa chỉ văn hóa thuần Việt là Việt phủ Thành Chương. Trong cách trò chuyện ông vẫn không vợi đi những đam mê, trăn trở nghề nghiệp.
Họa sĩ Thành Chương
- PV: Mỹ thuật Việt Nam hiện nay phát triển đa dạng, phong phú và đang sung sức bởi lực lượng họa sĩ trẻ tài năng đầy hứa hẹn. Là thành viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Họa sĩ THÀNH CHƯƠNG: Lớp trẻ bây giờ vẽ rất hay, có nhiều tìm tòi, phát hiện. Trước kia xem tranh có thể biết tác giả, nhưng giờ xem tranh thấy rất hay, giỏi mà không biết tác giả. Tôi cho rằng đây là điều đáng mừng, chứng tỏ tài năng của lớp trẻ hiện nay không hề thua kém mà còn đông đảo và phong phú.
Các họa sĩ trẻ đã bắt đầu đưa được văn hóa Việt vào trong tranh một cách thuyết phục, nhuyễn. Và họ đã có những cá tính sáng tạo riêng đáng trân trọng.
Trong nghệ thuật sự tìm tòi, phá cách nên nhận được sự tôn trọng và ủng hộ; bởi người họa sĩ luôn có trách nhiệm công dân và có tư cách. Họ chịu trách nhiệm về những gì họ tạo nên. Vậy thì, đừng vội thấy có gì khác lạ với mình mà nhảy vào “đánh”... Riêng tôi, tôi hoàn toàn yên tâm với các họa sĩ trẻ hiện nay bởi họ vững chắc về nghề và nghiêm túc trong sáng tạo.
- Hội họa là nghệ thuật luôn luôn đi tiên phong trong sự khám phá, cách tân... Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Trong văn hóa, nghệ thuật thì tính độc lập của hội họa cao nhất, không bị lệ thuộc và cũng bởi vậy nên tự do sáng tạo của người họa sĩ không bị khuôn vào một biên độ nào đấy. Người họa sĩ tự do thể hiện những tư tưởng, cảm xúc trên tấm toan trước mặt... Những yếu tố đó khiến hội họa luôn đi tiên phong trong những khám phá, sáng tạo nghệ thuật. Ở đây, tôi xin nói “ngoài rìa” như địa hạt văn chương chẳng hạn, nói chung luôn đi sau; nhưng cái “đi sau” của văn chương lại vô cùng ghê gớm, nó có thể làm thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy... Và nói chung tác động của văn chương vô cùng rộng lớn, chứ không ở phạm vi hẹp như hội họa.
- Người họa sĩ vẽ theo các đề tài định hướng liệu có trở thành những tác phẩm hội họa?
Chúng ta đều rõ một điều rằng mọi hoạt động văn học nghệ thuật đều do Nhà nước bỏ tiền nuôi bộ máy, tổ chức, tài trợ sáng tác... Vậy thì, vẽ về những đề tài như Đảng, Bác, cách mạng, công nhân, nông dân... là đương nhiên. Nhưng lâu nay tác phẩm vẽ hay điêu khắc... về các đề tài đó ít thành công. Những tác phẩm đó chỉ vẽ về đề tài nhưng không có những đóng góp gì về nghệ thuật, không có dấu ấn cá nhân... Tóm lại, nó chỉ là những bức tranh vẽ về đề tài đó mà không phải là những tác phẩm nghệ thuật. Có nhiều nguyên nhân, một trong số này là suy nghĩ, quan niệm của một số người lãnh đạo Hội Mỹ thuật. Họ cho rằng phải vẽ thế thì quần chúng mới hiểu, và cứ đi theo những đề tài đã quá quen thuộc ấy thì mới là có sự đóng góp; hay là cho sự an toàn của các bên...!
Nhà nước bỏ tiền ra để người họa sĩ vẽ, tạo nên tác phẩm cho dân tộc, cho quốc gia; chứ không phải bỏ tiền để anh minh họa cho chủ trương, chính sách... Vậy thì, điều quan trọng là tài năng của người họa sĩ và các cơ quan chuyên ngành có trách nhiệm nâng đỡ, định hướng, phát huy tài năng của họ.
Tôi lấy một ví dụ: danh họa Nguyễn Sáng đã sáng tạo nên những tác phẩm sống mãi như Giặc đốt làng tôi, Kết nạp Đảng... Đối với Nguyễn Sáng hay một số họa sĩ thời ấy thì không có một đề tài nào là họa sĩ không tạo nên tác phẩm. Cái chính là tài năng thôi. Thế nên, cần tránh những quan niệm sai về mảng đề tài này, để chúng ta có những tác phẩm tốt cho dân tộc.
- Xin cảm ơn họa sĩ.
Cao Minh (thực hiện)