Ấn tượng đầu tiên khi xem tranh của họa sĩ Trần Vinh là một dấu ấn mang tính độc lập riêng biệt không dễ bị nhầm lẫn với bất kỳ ai. Xem một lần và có thể nhớ ngay được đó là tranh của Trần Vinh, mang phong cách Trần Vinh chứ không phải của một ai khác.
Chân dung họa sĩ Trần Vinh
Là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện sống và làm việc tại Hải Phòng nhưng nhiều người ở Hải Phòng không biết Trần Vinh là một họa sĩ. Họ biết đến anh nhiều hơn với vai trò nhiếp ảnh gia hay một thợ chụp ảnh theo đơn đặt hàng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi vẽ là một công việc lặng lẽ và với Trần Vinh, trước khi trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, anh đã là một thợ chụp chuyên nghiệp.
Đó là khoảng thời gian không mấy dễ dàng để đưa ra những sự lựa chọn cần thiết cho cuộc sống. Anh băn khoăn giữa việc đóng khung làm một người thầy dạy mỹ thuật cho lũ trò nhỏ hoặc vẽ chuyên nghiệp để được tự do thể hiện bản thân mình. Nhưng vào những năm 90 của thế kỷ trước, tranh vẽ còn là một thứ gì đó quá xa xỉ, để sống được bằng tranh không đơn giản chút nào. Vậy là anh giáo trẻ Trần Vinh gom góp tiền mua máy ảnh, chụp chơi rồi dần dà được bạn bè tin tưởng, gọi anh chụp khi cần.
Bằng cảm quan của một người yêu mỹ thuật từ nhỏ, Trần Vinh nhanh chóng làm quen với ảnh nghệ thuật và sớm có những tác phẩm giá trị. Không chỉ chụp dịch vụ, Trần Vinh còn cộng tác với nhiều báo và có nhiều ảnh được chọn đăng trang bìa hay xuất hiện tại những triển lãm ảnh. Một người bắt đầu với ảnh một cách nghiệp dư như Trần Vinh, để có được những điều đó là không dễ nhưng Trần Vinh đặc biệt ở chỗ, anh làm nghệ thuật với một tư duy rất riêng. Trong ảnh nghệ thuật, anh luôn nhìn thấy cái đẹp ở một góc khác với mọi người. Thậm chí chụp ảnh đời thường cũng vậy, Trần Vinh nhìn cuộc sống ở một tâm thế khác, một suy nghĩ khác. Chính những cái khác ấy đã đưa Trần Vinh trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh từ dân nghiệp dư lên hàng chuyên nghiệp. Nhiều nơi ngỏ ý mời anh về đầu quân, nhưng anh từ chối và… bỏ máy.
Không phải Trần Vinh kiêu ngạo, lại càng không phải anh chán chụp. Trần Vinh phải đấu tranh một lần nữa với sự lựa chọn giữa ảnh và vẽ. Và rồi niềm thôi thúc cũng như sự khát khao được vẽ chuyên nghiệp đã chiến thắng. Anh nghỉ dạy sau 7 năm làm thầy giáo, bỏ chụp ảnh sau khi tài năng đã được công nhận. Năm 2002, Trần Vinh chính thức chuyên tâm cho hội họa. Anh bảo rằng, trong những năm tháng chụp ảnh, anh vẫn không thôi nghĩ về việc sẽ vẽ như thế nào để thỏa mãn niềm đam mê đến tận cùng của mình với hội họa, vì với anh, hội họa không chỉ đơn giản là đam mê, mà đó còn là một cái gì đó cứu cánh về tinh thần cho anh. Nếu như trước đó, những bức vẽ của thầy giáo Trần Vinh vẫn còn mang nặng tính trường lớp thì ngay khi bắt tay vào vẽ chuyên nghiệp, anh đã thoát được điều đó và tự do tìm đến những cách thể hiện mới. Một năm sau khi vứt bỏ tất cả công việc giảng dạy mỹ thuật và thú chơi ảnh kiếm ra tiền, họa sĩ Trần Vinh đã tạo được dấu ấn riêng mình khi triển lãm tranh cá nhân của anh được thực hiện ở Hồng Công (Trung Quốc). Tại triển lãm này, tên tuổi của Trần Vinh chính thức được người yêu hội họa thế giới biết đến và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Mặc dù gây được tiếng vang ở nhiều cuộc triển lãm cá nhân cũng như triển lãm nhóm ở trong và ngoài nước nhưng Trần Vinh không phải là họa sĩ giành được nhiều giải thưởng. Suốt bao nhiêu năm sáng tác, anh chỉ đoạt duy nhất một giải thưởng trong lĩnh vực hội họa về tranh cổ động dành cho thiếu nhi. Trần Vinh không vẽ để săn giải thưởng. Là người yêu tự do và luôn có những suy nghĩ bay bổng vượt quá thực tế, nên anh không hợp với những cuộc thi. Anh không cố đưa mình vào khuôn khổ hay một chừng mực nào đó, tất cả những gì anh làm là để sức sáng tạo của mình được cất cánh, được bay lên, được hòa quyện trong màu vẽ và hiển hiện chúng trên toan.
Tranh của họa sĩ Trần Vinh
Vẽ với Trần Vinh là như vậy. Thông qua tranh, anh muốn đưa cái tôi của mình ra ngoài, để mọi người có thể nhận ra anh, nhận ra ngay lập tức ngay cả khi không có chữ ký của Trần Vinh trên những bức vẽ đã hoàn thiện. Anh vẽ không giống ai, bút pháp cũng không thể gọi tên rõ ràng, có thể đó là phong cách hiện thực, nhưng cũng mang tính siêu thực, cách điệu và lãng mạn. Tranh của Trần Vinh gây ấn tượng mạnh bởi lối vẽ riêng biệt, tư duy vẽ riêng biệt. Anh kể những câu chuyện của ngày hôm nay qua các bức tranh vẽ người đầu thú bằng bút pháp hiện thực, nhưng là hiện thực trong tâm tưởng, thể hiện suy nghĩ của anh về cuộc sống, về những mối quan hệ thật mà không thật gây ám ảnh. Và nếu xem nhiều tranh của Trần Vinh, có thể thấy anh có một hứng thú đặc biệt với việc vẽ phụ nữ, những cô gái và hoa và ánh sáng với những đôi mắt mở to, miệng không cười. Đặc biệt, các cô gái trong tranh của Trần Vinh như thể giống nhau, họ là một người, một hình dáng, một kiểu ngồi, một kiểu đứng… Nhưng kỳ lạ là càng xem, càng thấy không ai giống ai, không bức tranh nào lặp lại bức nào. Đó là cái tài mà không phải một nghệ sĩ nào cũng có thể làm được.
Thời gian này, Trần Vinh đang bước những bước chậm lại trong mỹ thuật. Anh bảo rằng, người ta không thể sống mãi với những gì đã có, anh muốn tìm một hướng thể hiện mới cho những ý tưởng của mình. Sự lặp lại mình là điều đáng chán nhất, và anh không muốn vậy.
LÃNG DU