Khi sương mai còn lành lạnh trên những tàn cây hè phố, đèn đường muộn màng mờ soi những gánh hàng bông lặng lẽ từ các vùng ngoại thành lần lượt đổ về, bày bán dọc trên đoạn đường Huỳnh Đình Hai quận Bình Thạnh, TPHCM, mà mọi người vẫn quen gọi là “Chi nhánh chợ Bà Chiểu”, bắt đầu nhóm chợ, thì cũng là lúc quán cà phê cóc của cô Nai ở góc phố Huỳnh Đình Hai - Phan Bội Châu nổi lửa nấu nước pha trà. Những giọt cà phê đen sánh thơm lừng, ấm lòng buổi sáng. Phải chăng vì cô chủ quán khá xinh xắn, hiền lành dễ thương và đang trong cảnh phòng không chiếc bóng nên ai đó đã đặt tên như vậy.
Bây giờ, cứ nói đến quán cô Nai góc phố là dân sành điệu cà phê cóc không chỉ ở Bình Thạnh mà ở Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình… đều biết đến. Trong số khách ghiền cà phê cô Nai và ghiền luôn cả cô Nai phải nói đến họa sĩ Trịnh Hữu Hòa (ảnh), suốt 13 năm không vắng mặt ngày nào. Cứ mỗi buổi sáng, anh lặng lẽ đến, ngồi ở nơi gần như cố định, một gốc khuất bên bìa quán. Rồi anh lặng lẽ ra về như không để ý đến ai, mà cũng không ai để ý đến anh. Nhưng khi xem tranh tượng của họa sĩ Hòa, người thưởng lãm không khỏi ngạc nhiên đến thán phục vì tất cả các đề tài trong tranh tượng của anh đều xuất phát từ góc nhìn tại quán cà phê cóc cô Nai mà anh luôn có mặt suốt 13 năm ròng rã.
Tuy chỉ có một góc nhìn nhưng đề tài lại hết sức đa dạng, phong phú. Đặc biệt, qua phong cách thể hiện già dặn có nghề của anh, một họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Từ cảnh nhóm chợ lúc hừng đông, với gam màu u ẩn như cuộc mưu sinh thầm lặng trong đêm về sáng. Đến “chợ trưa”, một chút gợi để tả cái ửng hồng của nắng mai, trong đó le lói niềm tươi vui của ngày mới. Góc phố tôi yêu, một góc phố quá quen thuộc suốt 13 năm, vậy mà qua từng thời gian, cô hàng cà phê lúc còn xuân thì đến nét duyên thầm khi cô đã có tuổi. Niềm cảm xúc sâu lắng nhất mà cũng tâm đắc nhất của họa sĩ Hòa là những bức tranh chiếc xe lăn đưa em vào đời…
Cảm thông với những người tàn tật nghèo, đã trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, chính những chiếc xe lăn như là đôi chân để họ tự kiếm sống. Chẳng những họ tự lo cho bản thân mà còn phụ với gia đình cơm ăn áo mặc. Đó cũng là suy nghĩ thiết thực của họa sĩ Trịnh Hữu Hòa, nên anh thường xuyên tham gia công tác xã hội từ thiện, cùng chung tay lo cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Mỗi khi triển lãm bán được tranh, bao giờ anh cũng trích ra một phần tiền để làm từ thiện.
Họa sĩ Hòa thổ lộ: “Dù tôi chỉ vẽ về một góc phố nhưng cứ một năm qua đi là góc phố thêm thay đổi. Như trước kia con đường nhỏ xíu, nay mở rộng, nhà cửa xây cao tầng, sạch đẹp. Mấy em học sinh phụ cha mẹ bán rau quả bên hè phố Huỳnh Đình Hai nay có em đã là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên. Những người từng đến góc phố này bán vé số do người thân cõng đi, nay có xe lăn, xe lắc tự họ đi bán một mình… Theo thời gian, thành phố luôn đổi mới, góc phố này cũng theo đà phát triển chung của thành phố, không bao giờ cũ”.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC