Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các quận huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở và các báo cáo viên cấp thành phố tham dự tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Tô Đại Phong nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong nội bộ của Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc để đảm bảo sự thành công trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu đề ra. Thời gian qua Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ động và tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, đổi mới hình thức, phương pháp học tập nghị quyết, kết hợp bằng cả hình thức trực tuyến với phương pháp học tập truyền thống, từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, tiết kiệm được thời gian, kinh phí.
Theo TS Tần Xuân Bảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, để triển khai nghị quyết đạt hiệu quả thì công tác tuyên truyền phải làm sao cho dân biết, hiểu, nhớ, tin và làm theo. Trong đó tin là khâu rất quan trọng, là tiêu chí đánh giá tính hiệu quả hay không hiệu quả trong việc triển khai nghị quyết của Đảng. Muốn vậy, việc triển khai làm sao đạt tới mức độ thuyết phục được người nghe, thuyết phục được đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng, một số nghị quyết Đảng còn dài, khó nhớ, nhiều nội dung chưa gắn với thực tế của từng đơn vị, địa phương nên rất khó triển khai thực hiện. Việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động ở nhiều cấp ủy Đảng còn chậm, thiếu sát thực, cùng một lúc có quá nhiều việc, hoặc thiếu điều kiện để làm, khó tổng kết, đánh giá việc thực hiện… Việc truyền đạt nghị quyết, nhiều nơi còn áp dụng cách thức truyền đạt cũ xơ cứng, thiếu thực tế nên chưa hấp dẫn người nghe…
Theo thạc sĩ Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị Khu vực II, rất ít trong số gần 300.000 công nhân, lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM tiếp cận được các nghị quyết Đảng và các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do vậy, làm sao để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền nghị quyết, pháp luật ở khu vực này là bài toán không kém phần nan giải. Về giải pháp, thạc sĩ Vũ Trung Kiên đưa ra 4 nội dung cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh yêu cầu về nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện truyền đạt phù hợp với đặc thù và đối tượng người lao động.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu rõ, nghị quyết của Đảng thì nhiều, mỗi nghị quyết có mục đích, yêu cầu khác nhau nên việc truyền đạt, thực hiện cũng phải khác, để làm sao đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh nhất. Các cấp ủy Đảng, đội ngũ báo cáo viên đã có tâm huyết, trách nhiệm, sự trăn trở làm sao truyền tải, đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhưng phương pháp và cách làm cần linh hoạt, sáng tạo để truyền đạt, tổ chức học tập nghị quyết hiệu quả nhất. Do vậy, công tác báo cáo viên trong truyền đạt nghị quyết phải đặt lên hàng đầu, biết đối tượng mình là ai, làm chủ được điều mình nói, nói cái gì, gợi mở, định hướng nội dung gì của nghị quyết để người học nâng cao hiểu biết, thấy rõ quyền lợi của mình trong thực hiện nghị quyết và truyền lửa, bồi dưỡng tình cảm cách mạng trong các nghị quyết của Đảng.
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Thân Thị Thư ghi nhận và đánh giá cao chất lượng của 42 bài tham luận; đồng thời tiếp thu ý kiến, đề xuất với 5 giải pháp trọng tâm, gồm: Phát huy vai trò và sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy trong việc truyền đạt, học tập, quán triệt nghị quyết; các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập nâng cao trình độ tiếp nhận, triển khai các nghị quyết vào lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung học tập nghị quyết cho phù hợp với đặc thù đơn vị, địa phương và đối tượng, phù hợp với hình thức học tập (trực tuyến); dành thời gian để thảo luận và đề ra chương trình hành động triển khai nghị quyết; phải tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên được tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất.