Khi đời sống tương đối ổn định, đủ ăn, đủ mặc, nhiều người bắt đầu nghĩ tới cách làm đẹp không gian sống, làm việc của mình và nhất là tâm hồn mình. Chỉ cần vào Google gõ “dạy vẽ tranh”, “lớp vẽ cho người lớn”, “học nhanh vẽ tranh sơn dầu”... sẽ ra hàng trăm ngàn kết quả, địa chỉ lớp học, giờ học, người dạy.
“Giải quyết” đam mê
Các lớp chiêu sinh rầm rộ mỗi ngày, mỗi giờ với những lời mời chào hấp dẫn: Học vẽ tranh cấp tốc, Dạy vẽ tranh sơn dầu trong vòng 10 buổi, Bạn có thể vẽ được mọi bức tranh, Học vẽ tranh trong 30 ngày... thu hút rất nhiều học viên ở các độ tuổi, thành phần, nhất là các bạn trẻ và người lớn tuổi. Họ đến với các lớp này với nhiều mục đích.
Những bức tranh giống nhau qua những lớp học
“Hồi trẻ chị mê vẽ lắm nhưng nhà không cho đi học. Giờ già rồi phải làm những gì mình thích thôi”, nhà văn Kim H. học viên lớp vẽ 62 ở Bình Thạnh chia sẻ. “Tôi và ông xã chỉ muốn có những bức tranh treo trong nhà mình, do chính tay mình vẽ”, chị Nguyễn Thị Hồng Th. 47 tuổi, làm thợ thêu, ngụ phường 7, Phú Nhuận, học viên lớp vẽ W.Topia cho biết. “Hồi còn đi học tôi vẽ rất đẹp, hay vẽ giúp các bạn bản đồ địa lý, bài học sinh vật, trang trí báo tường, lưu bút... Giờ tôi đi học để vẽ tranh tặng bạn bè mỗi người một bức, chị Phan Thị Mỹ L. 59 tuổi, nghề nghiệp kế toán, hưu trí, ngụ phường 10, Gò Vấp, học viên lớp vẽ PPA - tâm tình. “Em đơn giản muốn học vẽ và cũng chỉ học được vào các ngày cuối tuần vì ngày thường phải đi làm. Các lớp này rất tiện vì họ sắp lịch theo thời gian rảnh của mình”, Bùi Thị Hồng Q. 29 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Tân Phú - học viên lớp vẽ trang trí Nhà Văn hóa Phụ Nữ cho biết.
Có thể thấy, mỗi người một mục đích riêng, nhưng đều có điểm chung là sử dụng tiền bạc và thời gian rảnh của mình với một ý định tốt đẹp. Tuy nhiên, trừ một số khá ít lớp tư nhân, vài trung tâm có tiếng như Hội Mỹ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, một số nhà văn hóa các quận trung tâm... với những người đứng lớp được biết hầu hết là họa sĩ hay ít nhất là sinh viên mỹ thuật - tức những người được đào tạo bài bản, còn lại thực tế nhiều lớp dạy vẽ dạng này chỉ dạy cách chép lại tranh mẫu (tĩnh vật, phong cảnh, chân dung để sẵn) với giá không hề rẻ - mỗi buổi học từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng, mỗi lớp vài chục học viên. Cụ thể, họ để một bức tranh mẫu, học viên xếp giá ngồi hai hàng dọc hai bên, trong vòng 2 - 3 giờ, họ dạy học viên sao chép lại tranh mẫu rồi... ký tên mình, chụp tranh, chụp ảnh lưu niệm, nhằm quảng cáo, chiêu sinh các lớp tiếp theo.
Đánh nhanh, rút gọn, chiến thắng thần tốc!
Chúng tôi đã theo chân lớp vẽ W.T được tổ chức định kỳ tại một quán cà phê vào buổi chiều cuối tuần. Lớp nhận học viên mỗi ngày trên trang fanpage Facebook thông qua các comments, inbox, giá 400.000 đồng/buổi học từ 2 - 3 giờ, bao học cụ: khung toan, cọ, màu arcrylic (màu vẽ pha nước, dùng được trên nhiều bề mặt như vải, bố, kính, tường, gốm sứ...) và một thức uống tự chọn. Mỗi lớp có từ 15 - 30 học viên/buổi. “Nếu mua theo Nhóm Mua hoặc rủ thêm 2, 3 người bạn cùng đăng ký sẽ được giảm giá từ 10 - 20%”, chị Mỹ Phương, học viên của lớp cho biết.
Trong một lớp vẽ tranh
“Đây là gì? Đây là cây cọ. Còn đây là gì? Đây là thau nước dùng để rửa cọ. Còn đây là cái khung. Chúng ta sẽ dùng cây cọ này để quệt những cục màu. Cùng nhìn kỹ vào bức tranh mẫu này. Các bạn thấy nó rất đẹp có phải không, rất khó có phải không? Đẹp và khó cỡ nào chúng ta cũng làm được hết. Rồi, chúng ta tất cả cầm cọ lên nào. Xong chưa. Giờ chúng ta dùng cọ và màu lấp đầy cái khung để tạo thành bức tranh - một tác phẩm nghệ thuật - sao cho giống nhất. Trong vòng 2 - 3 giờ, chúng ta cố gắng hoàn thành bức tranh đẹp nhất của mình...” - giáo viên đứng lớp - một cô gái trẻ không ngoài 30 tuổi say sưa giảng, và một chàng trai cũng rất trẻ luôn bận rộn với cái máy chụp hình. Anh chụp mọi góc độ, mọi người... Chờ lớp vẽ xong anh lại chụp cho mỗi người cùng tác phẩm vừa hoàn tất của mình. Ai cũng vui cười hớn hở, mãn nguyện bên tác phẩm. Xong anh về post hình lên facebook quảng cáo chiêu sinh lớp tiếp theo, các học viên vào like, share tíu tít. Cứ thế, mỗi tuần lớp đều có học viên mới-cũ, đều rầm rộ, hân hoan.
“Họ giỏi ở chỗ đánh trúng vào tâm lý đám đông yêu nghệ thuật, thích vẽ vời, thích làm đẹp không gian sống bằng cách “đi tắt, đón đầu”, học thần tốc... Vài trăm ngàn đồng cho một sở thích được thỏa mãn, một bức tranh ký tên mình, rồi đóng khung, treo trang trọng trong phòng khách, ở chỗ làm, tặng bạn bè... tính ra cũng rẻ”, họa sĩ, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần nói.
Cái “được” của những học viên tham gia các lớp dạy vẽ thần tốc là những bức tranh nhân bản vô tính, đèm đẹp, vô cảm, vô hồn, được thỏa mãn đam mê của mình tức thì, lập tức, ngay lúc đó... Nhưng, “cứ tưởng tượng 30 người với 30 bức tranh y chang nhau treo ở 30 phòng khách, 30 chỗ làm. Cứ thế nhân lên mỗi tuần, mỗi tháng rồi mỗi năm... Cho đến một ngày bạn bước vào phòng khách nhà nào, văn phòng làm việc nào cũng thấy đúng những bức tranh đó, chỉ khác cái chữ ký thì sẽ thế nào”, họa sĩ Bùi Bảo Quốc nói.
SONG PHẠM