Hội họa hướng về cộng đồng

Trong những ngày này, rất nhiều họa sĩ đã chung tay hướng về cộng đồng qua các tác phẩm. Các bức tranh không chỉ có giá trị cao về nghệ thuật mà còn góp phần lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, chia sẻ một phần khó khăn với cộng đồng và lực lượng tuyến đầu.
Bức tranh “Ballerina” của họa sĩ Lương Lưu Biên được đấu giá online để góp vào quỹ “Sài Gòn mình thương nhau”
Bức tranh “Ballerina” của họa sĩ Lương Lưu Biên được đấu giá online để góp vào quỹ “Sài Gòn mình thương nhau”

Nghệ thuật lan tỏa

Hình ảnh những bức tranh được chia sẻ với dòng trạng thái “Nghệ thuật lan tỏa” được họa sĩ này gắn thẻ mời một đồng nghiệp khác tham gia, nhiều tài khoản mạng xã hội hưởng ứng bằng việc thích và chia sẻ. Chị Phan Thị Thanh Tâm (46 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Những ngày này, mạng xã hội có những chia sẻ cố tình làm mọi thứ thêm u ám. Tôi không phải họa sĩ nhưng từ lâu rất hay theo dõi tranh, nên rất thích khi thấy các họa sĩ chia sẻ điều này, ít ra cũng có vài điểm sáng giữa hàng ngàn tin cố tình và cả tin giả gây hoang mang”.

Chia sẻ những bức tranh của đồng nghiệp với nhiều chất liệu như: lụa, sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước; để lại bình luận phía dưới hình ảnh bức tranh “Biển ngọc” trên trang cá nhân của mình, họa sĩ Ngô Đồng viết: “Trong dịch bệnh căng thẳng, ngoài những thứ lo toan không tránh khỏi cho ăn, uống, thuốc, đi lại, cách ly, giãn cách…, chúng ta vẫn tích lũy năng lượng tích cực để làm và sẽ làm ra những tác phẩm đẹp chữa lành vết thương tinh thần (nếu có). Tôi tin nghệ thuật đích thực sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống”.

Họa sĩ Ngô Đồng tham gia “Nghệ thuật lan tỏa” ngay từ những ngày đầu, chia sẻ những tác phẩm của mình cùng lời mời đồng nghiệp tham gia. Không đặt vấn đề quá lớn lao cho những tác phẩm của mình, anh bày tỏ: “Tôi thấy chuyện này xuất hiện từ mùa dịch năm 2020, từ một số đồng nghiệp tôi quen biết và các họa sĩ trẻ. Thực ra nói xoa dịu thì nghe có vẻ lớn lao quá, không to tát vậy. Đóng góp của mỗi cá nhân với đại dịch này lớn mấy cũng sẽ là bé nhỏ, nhưng tất cả chúng ta cùng chung tay trong vị trí công việc cũng như khả năng có thể của mình sẽ là nguồn năng lượng đáng kể, ít nhất cũng làm cho mỗi người ở đâu đó cảm thấy bớt cô đơn, bớt căng thẳng. Tích tụ lại thì mỗi đóng góp ấy sẽ không còn nhỏ nữa”. 

“Sài Gòn mình thương nhau”

Buổi đấu giá online bức tranh “Ballerina” của họa sĩ Lương Lưu Biên kết thúc, số tiền bán tranh 32 triệu đồng được anh gửi thẳng vào quỹ “Sài Gòn mình thương nhau”, để chia sẻ với cộng đồng trong lúc khó khăn này. Giá trị và trị giá của một bức tranh là 2 câu chuyện khác nhau, nhưng lúc này chỉ có một mục tiêu là hướng về những hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu. Họa sĩ Lương Lưu Biên tâm sự: “Tôi ngồi trong nhà cứ nghe trong không khí yên ắng đầy đe dọa, chốc chốc tiếng xe cứu thương hú còi vụt ngang qua. Tin tức hàng ngày cho thấy người dân quá nhiều khó khăn cần giúp đỡ và tôi cũng thấy nhiều người, ít nhiều trong khả năng của mình, đều đóng góp giúp đỡ nhau trong lúc ngặt nghèo này nên mình cũng thể hiện chút trách nhiệm xã hội của mình”.

Ngoài họa sĩ Lương Lưu Biên, còn có sự tham gia của họa sĩ Trần Quốc Giang, Nguyễn Công Hoài… để gửi đến quỹ “Sài Gòn mình thương nhau”. Và mọi lời cảm ơn, họ đều gửi lại cho những người trực tiếp nơi tuyến đầu. “Tôi chỉ ở nhà chứ nhiều bạn bè tất bật, đối diện với việc có thể bị lây nhiễm, để đi chuyển từng phần thực phẩm tới mọi ngõ ngách trong thành phố. Tôi lo lắng và biết ơn tất cả các bạn ấy”, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ thêm.

Quỹ “Sài Gòn mình thương nhau” được thành lập và điều hành bởi vợ chồng họa sĩ Võ Trân Châu (ngụ TP Thủ Đức), tập trung vào thực phẩm và nhu yếu phẩm dành cho những hoàn cảnh khó khăn cũng như các y bác sĩ tuyến đầu. “Ban đầu, tôi để thực phẩm gồm gạo, cá hộp, mì, dầu ăn, nấm, trứng, rau củ quả... trên những chiếc bàn trước nhà mình và bạn bè ở TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, đồng thời kết hợp với các tình nguyện viên lái xe đi đưa cho người nghèo ở khắp các quận. Sau đó, do giãn cách xã hội và nhiều nơi phong tỏa nên nhóm gói thực phẩm thành những phần quà, đưa vô hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn, xóm trọ nghèo... 

Quỹ cũng kết hợp với hội những bà mẹ đơn thân để hỗ trợ các mẹ có con nhỏ”, chị Võ Trân Châu cho biết.

“Sài Gòn mình thương nhau” bắt đầu từ một ít tiền dành dụm của các thành viên trong gia đình chị Châu, sau đó nhận được khá nhiều đóng góp từ bạn bè trong giới hội họa, nhà sưu tập... Tiếp đến là các mạnh thường quân khác. “Vì muốn giúp được nhiều người hơn nên tụi mình kêu gọi sự đóng góp của bạn bè thân thiết, ai dè lại được lan tỏa rộng. Tôi thật sự cảm nhận được tình cảm của mọi người ở khắp nơi hướng về thành phố lúc này”, chị Châu kể.

Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, chỉ còn tình người đặt lên trên hết. Chị Trân Châu bày tỏ: “Trong lúc làm việc thiện nguyện này, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều hội nhóm ở TPHCM, mới thấy năng lượng tích cực luôn có trong sự sẻ chia với cộng đồng của những người sống trên mảnh đất này…”

“Để gây quỹ nhanh, đa số giá tranh của các họa sĩ trong các cuộc đấu giá online thấp hơn từ 30% đến 60% giá bán ngày thường. Riêng tranh của Xèo Chu (14 tuổi, tên thật là Phó Vạn An) là trường hợp đặc biệt, em gây quỹ được gần 3 tỷ đồng ủng hộ lực lượng tuyến đầu. So với 7 ngành nghệ thuật căn bản, mỹ thuật - mà cụ thể là tranh, đã đóng góp thiết thực bậc nhất cho cộng đồng thời Covid-19”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi thông tin.

Tin cùng chuyên mục