Hội họa: Thời tới, cờ chưa thể phất

Có thể nhìn nhận, thời điểm lẫn cơ hội cho hội họa trong nước vươn mình đã và đang có, tuy nhiên những câu chuyện chưa từng có tiền lệ như một triển lãm không phép bị phạt và hai triển lãm phải ngừng trước giờ kết thúc, đã khiến dư luận xôn xao, người trong giới băn khoăn.
Khán giả xem triển lãm tại HAKIO - Let’s Art
Khán giả xem triển lãm tại HAKIO - Let’s Art

Quản cũng như không…

Theo nhìn nhận của nhiều người trong giới, triển lãm không phép hiện nay không thiếu, vấn đề là có bị phát hiện và xử phạt hay không mà thôi. Dù theo Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật, việc xin phép tổ chức triển lãm không khó, thậm chí mọi thủ tục gần như có thể thực hiện trực tuyến, không tốn quá nhiều thời gian đi lại. 

Chị Trang Hạnh (chủ phòng tranh HAKIO - Let’s Art,  38 Trần Cao Vân, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) chia sẻ: “Việc xin phép tổ chức triển lãm rất dễ và mọi thủ tục có thể thực hiện trực tuyến, tùy theo mỗi không gian triển lãm mà người đứng ra xin phép tổ chức là họa sĩ hay đại diện phòng tranh. Nhưng theo tôi, việc đứng ra xin phép tổ chức triển lãm, phía phòng tranh nên thực hiện, vì họa sĩ vốn không va chạm nhiều với thủ tục giấy tờ và trong các thủ tục thì có một giấy cam kết phòng tranh cho phép họa sĩ thực hiện triển lãm trong không gian của họ, vì thế mà phòng tranh xin giấy phép sẽ thuận tiện hơn và đầy đủ tư cách pháp nhân hơn”.

Câu hỏi đặt ra là việc quản lý triển lãm ở không gian trực tuyến, hay một số quán cà phê sẽ như thế nào? Chị Minh Phương (thành viên sáng lập Không gian cà phê và nghệ thuật XYZ đường Nguyễn Văn Mai, quận 3, TPHCM) cho biết: “Với những triển lãm có quy mô, chúng tôi làm thủ tục xin giấy phép đầy đủ. Còn với một số hoạ sĩ trẻ, giới thiệu một vài tác phẩm bằng cách treo trong không gian quán để trang trí và những tranh này thay đổi liên tục theo từng mùa, chúng tôi không tổ chức khai mạc và tổ chức như triển lãm tranh, nên việc này hoàn toàn không xin giấy phép”.

Về phía hội nghề nghiệp, GS-TS Nguyễn Xuân Tiên (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM) chia sẻ: “Thủ tục xin phép tổ chức triển lãm không khó và trong một số trường hợp, cũng có thể căn cứ vào đó để bảo vệ quyền lợi cho họa sĩ nếu có tình huống đạo nhái hay sao chép, mà tác phẩm chính chưa đăng ký quyền tác giả. Vì tác phẩm dự triển lãm sẽ có hồ sơ ghi nhận lại đầy đủ. Còn với những tranh treo trong quán cà phê, theo tôi nó chỉ mang tính trang trí cho không gian quán và thay đổi tùy ý chủ quán chứ không phải là một triển lãm, vì triển lãm thì phải có giấy phép, tổ chức khai mạc và kết thúc bài bản”.

Với những triển lãm hay đấu giá tranh trực tuyến hiện nay, phần nhiều các tài khoản đăng tải lên trang cá nhân ở chế độ công khai, người dùng có nhu cầu tự tìm đến… Hoàn toàn không có giấy phép và người tổ chức muốn xin giấy phép cũng thực sự loay hoay, vì không có quy định cụ thể.

“Con voi vẫn lọt lỗ kim”

Hai triển lãm khá đình đám gần đây tại Hà Nội vào tháng 4 và tháng 7 buộc phải tạm ngưng trước ngày kết thúc, vì phản ứng công chúng trước một số tranh có nội dung không phù hợp mỹ cảm cộng đồng. Chuyện cái đẹp khác nhau trong góc nhìn của mỗi người là đều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên những tác phẩm được trưng bày triển lãm không phải ngẫu nhiên được chọn, mà đã được hội đồng kiểm duyệt thông qua. Thậm chí, có sự theo dõi ngay trong quá trình họa sĩ thực hiện, vì sự đồ sộ về kích thước và nội dung mang tính lịch sử. Tuy nhiên “con voi vẫn lọt lỗ kim” hay thực sự vấn đề kiểm duyệt không đáp ứng kịp nhịp phát triển chung của nghệ thuật hiện nay?

Khán giả xem triển lãm tại HAKIO - Let’s Art 

Giám tuyển Nguyễn Như Huy phát biểu: “Cơ chế kiểm duyệt văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng, chưa theo kịp với tiến trình phát triển về cả khái niệm lẫn kỹ thuật của nghệ thuật toàn cầu và trong nước hiện nay. Đây chính là nguồn cơn tạo nên sự vướng và có thể nói là sự tắc tị trong mối quan hệ giữa môi trường thực hành văn hóa nghệ thuật đương thời.Cơ chế kiểm duyệt văn hóa nghệ thuật, vẫn rất đơn sơ và đi sau sự phát triển của văn hóa nghệ thuật đương thời. Vấn đề này thực sự cần giải quyết ở tầm chính sách vĩ mô”.

Mỹ thuật nói chung hay hội họa vài năm trở lại đây, trở thành kênh đầu tư được chú ý bởi thanh khoản tăng nhanh và cao. Tuy nhiên, phần lớn các họa sĩ có tên tuổi vẫn hoạt động khá âm thầm, nhà sưu tập tự tìm đến các xưởng vẽ của họ để giao dịch và rất ít khi tham gia triển lãm, hội chợ nghệ thuật… “Vì ngại đủ đường, dễ bị sao chép, kiểm duyệt đủ thứ. Còn khi người ta tự tìm tới mình, họ đã hiểu tranh của mình và cảm được cái đẹp rồi thì dễ dàng giao dịch lắm, không phải giải thích gì nhiều nữa”, một họa sĩ nổi tiếng trong dòng tranh sơn dầu bày tỏ.

Họa sĩ Lương Lưu Biên nói: “Tôi nghĩ bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, tìm kiếm cái mới và chống lại những thành kiến cũ, những thói quen hay lề luật rập khuôn. Vậy nên phía quản lý chỉ nên kiểm duyệt những gì ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin tôn giáo, xúc phạm các anh hùng dân tộc..., còn lại thì nên cởi mở hơn để giới nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Và có thể xem xét chia ra những trường hợp để cấp phép như triển lãm ở các khu vực công cộng cần thẩm định, kiểm duyệt kỹ lưỡng”.

Trước đây, do hoàn cảnh xã hội, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có phần thiên về quản lý nội dung, tư tưởng. Hiện nay, nhịp phát triển của văn hóa nghệ thuật đã khác, cần một cơ chế kiểm duyệt mới để những tồn tại, không phải lặp lại, cũng như đã đến lúc cần bàn về luật mỹ thuật một cách nghiêm túc, làm bước căn cơ để phát triển đường dài.

"Tôi cho rằng, ở mức độ tối thiểu, trong hiện trạng như bây giờ, các hội đồng thẩm định trước hết phải cùng nhau tạo ra được các tiêu chuẩn thế nào là thuần phong mỹ tục và thế nào là không thuần phong mỹ tục. Cần có các cơ chế để nghệ sĩ trình bày, giải thích, bổ sung. Tức là có các cơ chế để giúp tạo điều kiện khơi thông sự sáng tạo cho nghệ sĩ cũng như ngăn chặn sự lạm quyền"- Giám tuyển NGUYỄN NHƯ HUY

Tin cùng chuyên mục