Sau hai ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả, chiều 6-11, Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9) đã bế mạc trọng thể tại thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Vientiane về tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển” và “Tuyên bố của Chủ tịch” cùng nhiều sáng kiến mới. Tuyên bố Vientiane là văn kiện có ý nghĩa quan trọng với thông điệp mạnh mẽ của các lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của hai châu lục cũng như trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và nỗ lực hết sức hiệu quả của nước chủ nhà Lào, lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 9 cùng nhiều sự kiện quan trọng khác của ASEM trong năm nay.
Các nhà lãnh đạo chia sẻ nhận định thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức toàn cầu gay gắt, cả truyền thống và phi truyền thống, với những tác động đan xen, sâu rộng và khó lường. Trong bối cảnh đó, Hội nghị thể hiện quyết tâm của các thành viên ASEM tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác phát triển nhằm hỗ trợ các thành viên hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015, trong đó có xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hội nghị đặc biệt đề cao việc phối hợp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an toàn hạt nhân, chống cướp biển, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước, nhất là các nguồn nước xuyên biên giới và đã thông qua nhiều sáng kiến mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEM trong những lĩnh vực then chốt này.
Hội nghị đánh giá cao những kết quả tích cực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các cơ chế hợp tác khu vực, đánh giá cao vai trò của hiệp hội trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực. Hội nghị khẳng định, hơn bao giờ hết, để phục hồi kinh tế và ứng phó các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thúc đẩy đối thoại, hợp tác đang trở thành mối quan tâm, mong mỏi và lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Nhiều thành viên đề cao nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại các phiên họp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định sâu sắc, đồng thời đề xuất những biện pháp, sáng kiến thiết thực và có trách nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác ASEM, được các nước nhất trí và đánh giá cao. Tại phiên họp về các vấn đề toàn cầu, một trong những phiên họp quan trọng của ASEM 9, cùng với Tổng thống Indonesia và Thủ tướng Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời đại diện cho châu Á phát biểu đề dẫn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất đổi mới cách tiếp cận và xử lý các vấn đề toàn cầu trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, toàn diện và đa ngành, gắn với thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất các biện pháp thúc đẩy các chương trình, sáng kiến cụ thể để xử lý kịp thời, hiệu quả các thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là dự báo biến đổi khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt nguồn nước đi qua nhiều lãnh thổ, an ninh lương thực, cứu hộ và cứu nạn trên biển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề xuất ASEM tăng cường đóng góp vào việc hình thành các cơ chế phối hợp, hợp tác toàn cầu có đủ hiệu lực và hiệu quả để ứng phó, xử lý các vấn đề chung cũng như tiếp tục cải cách các định chế tài chính quốc tế và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất 2 sáng kiến mới của Việt Nam về việc tổ chức “Hội nghị Cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” và “Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận tăng trưởng xanh” trong khuôn khổ Đối thoại ASEM về phát triển bền vững. Cả 2 sáng kiến đã được Hội nghị nhất trí thông qua, trong đó hợp tác ứng phó thiên tai là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong lĩnh vực này và là một trong những sáng kiến được nhiều thành viên ASEM tham gia đồng bảo trợ nhất.
Về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với nhiều nhà lãnh đạo ASEM khác, đều nhất trí cho rằng càng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhu cầu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, gia tăng hợp tác và liên kết càng trở nên cấp thiết và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, để thúc đẩy các xu thế tích cực, vấn đề then chốt là phải tạo dựng được các cấu trúc khu vực phù hợp với những thay đổi, sự đa dạng về trình độ phát triển, hệ thống chính trị xã hội và văn hóa, chia sẻ mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển, mang tính xây dựng, minh bạch và hiệu quả, có khả năng thích ứng với những biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới, ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, và bảo đảm thỏa đáng lợi ích của các nước đang phát triển.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các lãnh đạo ASEM, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Yoshihico Noda, Thủ tướng Australia Julia Gilad, Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso.
| |
TTXVN