Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Ngọc Lợi, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Học viện Cán bộ TPHCM) cho biết, hiện cả nước có gần 60 trường ĐH-CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo chuyên ngành CTXH; Bộ LĐTB-XH phối hợp với các trường đại học tổ chức và đào tạo cho gần 500 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường cao đẳng, trung cấp. Cả nước xây dựng được trên 425 cơ sở cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, gần 100 cơ sở cung cấp dịch vụ trong bệnh viện.
Tuy vậy, sự phát triển nghề CTXH vẫn còn tồn tại một số khó khăn, như khuôn khổ pháp lý phát triển CTXH chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, vai trò, nhiệm vụ của người làm CTXH chưa được xác định cụ thể trong Luật. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng và đảm bảo về chất lượng; đội ngũ làm CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, công tác đào tạo sinh viên ngành CTXH trong các trường ĐH-CĐ còn thiếu, chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành thực tế; nhận thức về vai trò và vị trí của nghề CTXH còn những hạn chế nhất định.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, ngành CTXH rất cần thiết trong các bệnh viện; đồng thời cho biết số lượng đầu việc mà các sinh viên ngành CTXH có thể làm được. TS Hoàng Tuấn Ngọc, Giảng viên ĐH Sư Phạm TPHCM cũng khẳng định, nhu cầu về công tác xã hội trong trường học là rất lớn, góp phần đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và công bằng trong giáo dục.
Ngoài ra, các đại biểu cũng bàn đến cơ chế cho người làm CTXH trong trường học.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho biết, hội thảo đã nhận được 46 bài tham luận. Các bài viết tập trung phân tích những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CTXH ở địa phương; vấn đề đào tạo nhân lực CTXH và cụ thể là hoạt động thực hành thực tập tại cơ sở. Các tham luận còn đề cập đến hệ thống chính sách pháp luật của nhà nước sử dụng làm căn cứ trong quá trình triển khai hoạt động nghề CTXH, thực trạng hiện nay và hướng phát triển trong tương lai. Ngoài ra, một số tác giả còn đi sâu phân tích lĩnh vực nghề CTXH tiêu biểu, như: CTXH trong trường học, CTXH trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, CTXH đối với nạn nhân bạo lực gia đình và vai trò của các cơ sở xã hội với việc hòa nhập cộng đồng… ở TPHCM hoặc địa phương lân cận
PGS.TS Nguyễn Văn Y khẳng định, với những góp ý của các đại biểu, Học viện Cán bộ TPHCM sẽ tiếp thu, rà soát để tiếp tục hoàn thiện chương trình giảng dạy, đào tạo đội ngũ nhân sự làm CTXH trong thời gian tới.