Hướng đến kinh tế tuần hoàn

Hiện nay, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng, tác động mạnh mẽ đến môi trường sống, gây ra những bệnh tật nguy hiểm.

Đây là thách thứ to lớn, thúc đẩy các quốc gia cần phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh và sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng tái sử dụng phế liệu và rác thải, được đánh giá là giải pháp có thể giúp các nước phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Nếu không hành động, trong 10 năm tới, các quốc gia sẽ phải bỏ ra khoản chi phí gấp 5 - 10 lần so với số tiền dành để xử lý rác thải hiện nay.

Đi theo xu hướng này, không chỉ nhiều tổ chức, cơ quan quản lý ở hầu hết quốc gia đang nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, mà người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm xanh.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp da giày hiện đã hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước thải. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có sự chuyển dịch tư duy trong sản xuất kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững. 

Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng.

Như vậy, việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, trong đó đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các sản phẩm sẽ là biện pháp hữu hiệu để Việt Nam giảm rác thải ra môi trường. Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện kinh tế tuần hoàn, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả những bên liên quan, từ các cơ quan chính phủ đến các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia.

Theo ước tính thực tế tại châu Âu, mỗi năm kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ EUR, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải hàng triệu tấn khí CO2 ra môi trường. 

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là xu hướng tất yếu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến.

Chia sẻ về nội dung này, bà Lê Thanh Thảo, đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), cho biết phát triển bền vững là một trong những nền tảng để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế. Các quốc gia không thể thúc đẩy phát triển bền vững một cách độc lập, mà cần liên kết và hỗ trợ lẫn nhau, như về cơ chế chính sách, kêu gọi hài hòa thống nhất tiêu chuẩn trên toàn cầu.

Đồng quan điểm này, ông Christian Ewert, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại nước ngoài (Amfori), cũng cho biết tác động của biến đổi khí hậu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp trở thành bộ phận tiên phong trong phát triển bền vững, chú trọng yếu tố môi trường. Do đó, cần sự quyết tâm của các quốc gia để tìm ra giải pháp chung trong phát triển bền vững, nhất là những vấn đề như biến đổi khí hậu, môi trường, chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc chiến thương mại.

Tin cùng chuyên mục