Từ năm 2005, căn cứ theo Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đã ngừng cấp mới giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ karaoke và vũ trường, tuy nhiên, không vì thế mà số lượng các cơ sở kinh doanh karaoke có chiều hướng giảm. Thực tế đã xuất hiện nhiều hình thức biến tướng, nảy sinh biểu hiện tiêu cực và nhiều tệ nạn xã hội từ không ít điểm kinh doanh karaoke. Mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt đề cương Quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Kiểm tra, xử phạt không xuể!
Theo thống kê của Sở VH-TT TPHCM, hiện nay toàn TP có 427 cơ sở kinh doanh karaoke đang hoạt động và trên 200 cơ sở karaoke hoạt động không phép. Trong năm 2014, trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng - quán bar, karaoke, vũ trường, đoàn thanh tra chuyên ngành Sở VH-TT TP cùng với 2 đoàn kiểm tra liên ngành của TPHCM đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản 107 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt trên 7,5 tỷ đồng.
Qua đó, TP đã tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh 3 cơ sở karaoke, buộc 8 cơ sở karaoke ngưng hoạt động các phòng karaoke dư so với giấy phép. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra liên ngành quận - huyện còn tổ chức 3.430 lượt kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt hàng tỷ đồng.
Dù đã rất nỗ lực, nhưng theo lãnh đạo Sở VH-TT TPHCM: “Lực lượng kiểm tra, xử lý còn mỏng, khung phạt không cao lại thiếu biện pháp chế tài nên nhiều cơ sở kinh doanh karaoke không phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Họ chấp nhận đóng phạt rồi... kinh doanh tiếp”. Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP, ngoài việc bị xử phạt, các cơ sở kinh doanh vi phạm còn bị tịch thu phương tiện vi phạm, nhưng theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 thì các cơ sở vi phạm chỉ bị phạt tiền.
Mức phạt hiện nay với hộ kinh doanh cá thể từ 15 - 20 triệu đồng/lỗi vi phạm; với tổ chức, doanh nghiệp vi phạm mức phạt gấp đôi. Nếu tính lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh karaoke thu vào (trung bình từ 80.000 - 150.000 đồng/giờ; hoạt động từ 12 - 15 giờ/ngày) thì số tiền phạt chẳng đáng là bao và đó chính là lý do để các cơ sở karaoke thường “vui vẻ”, “hợp tác”, sẵn sàng đóng phạt khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt…
Việc chế tài sau khi xử phạt luôn là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Nếu không có biện pháp chế tài nghiêm khắc thì việc xử phạt như hiện nay vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa” và không thể phù hợp với quá nhiều biến tướng tinh vi trong loại hình kinh doanh này. Người dân có nhu cầu giải trí đến với các cơ sở karaoke ngày càng nhiều hơn, vì thế việc thu lợi nhuận cũng dễ dàng khiến chủ cơ sở bất chấp là điều dễ hiểu.
Mặc dù hiện nay TPHCM không cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường, song hoạt động của những dịch vụ này vẫn “tưng bừng” và biến tướng dưới nhiều hình thức. Việc quản lý được Sở VH-TT TPHCM giao về các quận - huyện, song không phải địa phương nào cũng sát sao trong việc quản lý, kiểm tra và kiên quyết xử phạt tới nơi tới chốn! Những biến tướng nhiều nhất chính là sử dụng nhân viên chưa đủ tuổi lao động, âm thanh vượt mức quy định, hoạt động quá giờ giấc, gây mất an ninh trật tự; kinh doanh rượu trong phòng karaoke.
Cá biệt, có một số trường hợp hoạt động mại dâm trá hình, đặt chuông báo động để đối phó với đoàn kiểm tra, sử dụng buôn bán ma túy trái phép... Đó là chưa kể ẩn chứa nhiều nguy cơ về phòng cháy chữa cháy, cháy nổ do phòng kín, mạng lưới đèn điện và các thiết bị máy móc rất dễ gây chập điện.
Dù theo đúng thủ tục, cơ sở kinh doanh có điều kiện (karaoke, vũ trường, quán bar...) đã có giấy phép kinh doanh, nhưng trước khi hoạt động phải được giấy phép của cơ quan công an (thành phố hoặc quận - huyện) chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, nhưng không hiểu sao số lượng cơ sở kinh doanh karaoke không phép vẫn ngang nhiên nở rộ ở nhiều quận - huyện. Gần đây nhất, vụ cháy cơ sở karaoke New và Idol trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 là một minh chứng cụ thể nhất.
Một điểm kinh doanh karaoke ở quận Phú Nhuận có nhiều vi phạm bị xử phạt.
Ngăn chặn tiêu cực, biến tướng
Trên thực tế, vẫn còn một số tồn tại về công tác quy hoạch và cấp đổi giấy phép sau quy hoạch dịch vụ karaoke tiến hành còn chậm và thiếu đồng bộ giữa các quận - huyện khiến tiến độ chậm trễ, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; trong quá trình gia hạn giấy phép, công tác thẩm định điều kiện hành nghề của cơ sở vẫn còn một số quận - huyện chưa thực hiện đầy đủ vai trò giám sát của mình… Tuy nhiên, phải khẳng định công tác quy hoạch mang lại những tác động tích cực trong việc chuyển hóa, ngăn chặn những tiêu cực, biến tướng trong hoạt động karaoke.
TPHCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng quy hoạch ngành nghề “nhạy cảm”, điều này cho thấy sự chỉ đạo kiên quyết, nhất quán của Thành ủy, UBND TPHCM trong việc lập lại kỷ cương, chấn chỉnh những biểu hiện biến tướng, tiêu cực trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn TP.
Theo UBND TPHCM, mục tiêu hàng đầu của đề cương Quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật cho các đối tượng kinh doanh; góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú những hoạt động văn hóa trên địa bàn TP, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP, đồng thời chống mọi biểu hiện tiêu cực trong hoạt động văn hóa.
Cụ thể, đề cương Quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND TPHCM phê duyệt, việc quy hoạch ngành nghề này sẽ được thống nhất trên toàn TP. Theo đó, căn cứ vào nhu cầu, tình hình quản lý thực tế tại các quận - huyện để quy hoạch, hoạt động vũ trường cho các đối tượng hội đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
Riêng đối với hoạt động karaoke, chủ trương của TP là khuyến khích và tạo điều kiện cho các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà văn hóa (từ TP đến quận - huyện, phường - xã), các công viên văn hóa, khu giải trí văn hóa công cộng… được tổ chức hoạt động karaoke. TPHCM cũng xây dựng lộ trình, kế hoạch hạn chế, không quy hoạch cấp mới hoạt động karaoke tại khu dân cư đông người (các đường hẻm, tuyến đường nhỏ…) và hướng tới xây dựng quy hoạch karaoke hoạt động thành khu tập trung theo các tuyến đường, khu vực của từng quận - huyện. Đối với những chủ địa điểm kinh doanh karaoke đã được cấp phép tại các khu dân cư đông người, sẽ vận động thực hiện di dời hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh…
NHƯ HOA - MINH AN