Mấy ngày qua, mưa lớn, lũ lại lên tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Hàng triệu người dân ở khu vực này tiếp tục rơi vào thảm cảnh “chén cơm chan nước mắt”. Bởi núi lở, nhiều tuyến giao thông bị cô lập, nhà cửa bị lũ nhấn chìm, hàng vạn ha lúa, hoa màu bị chìm trong biển nước, hàng trăm tấn cá tôm nuôi cuốn theo con nước… Nguyên nhân để xảy ra những con số gây đau lòng trên, vẫn được nói một cách máy móc là tại trời mưa quá lớn.
Nhưng từ lâu nhiều chuyên gia nghiên cứu về lũ đã cảnh báo: thảm thực vật bị chặt phá hay nói cách khác là rừng bị tàn phá nghiêm trọng, nên không tích nước. Đó mới là nguyên nhân chính gây nên lũ dữ sau mưa, với mức độ năm sau nguy hiểm hơn năm trước. Vậy mà, cũng trong những ngày người dân nghèo đang đối mặt với cái đói, thì lâm tặc lại “nhộn nhịp” tập kết, vận chuyển gỗ lậu ngay tại khu vực bị sạt lở (Dốc Kiền, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng giáp giới các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam). Điều khá đau lòng là việc vận chuyển này diễn ra giữa ban ngày, ngang nhiên đi qua trạm kiểm lâm để về xuôi.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng một năm có khoảng 3.000 ha rừng bị hủy hoại trên cả nước, mức độ diện tích rừng bị phá năm sau gần gấp đôi năm trước. Thế ai phá? Trong khi chúng ta không chỉ có Luật Bảo vệ và phát triển rừng mà có hẳn một lực lượng kiểm lâm, trách nhiệm chính là bảo vệ rừng. Phá rừng chỉ có lâm tặc, nhưng vì sao họ có thể mang phương tiện, vật dụng để đốn hạ hàng vạn ha rừng, rồi ngang nhiên vận chuyển về xuôi để tiêu thụ. Không ai có thể quên vụ án phá rừng Tánh Linh (Bình Thuận) được đưa ra xét xử với hành trình đấu tranh đầy khổ ải của một công dân có trách nhiệm. Rồi khi vụ án ngã ngũ người ta mới nhận ra một cách rõ ràng rằng: “vũ khí” của lâm tặc không chỉ có dao búa, súng đạn mà còn có cả sự tiếp tay “đắc lực” của những cán bộ thoái hóa, biến chất.
Mới đây nhất, TAND tỉnh Quảng Nam đã truy tố hàng chục “lâm tặc” nguyên là cán bộ, cán bộ lãnh đạo của Sở NN-PTNT, Hạt Kiểm lâm Quế Sơn, UBND huyện Quế Sơn, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam … vì đã “cấp phép” cho tư nhân tàn phá rừng Khe Diên. Cách đây không lâu dư luận tại Hà Tĩnh hết sức bất bình, khi 4 cán bộ bảo vệ rừng chỉ bị xử án treo, trong khi dưới sự “giúp sức” của họ gần 60 ha rừng phòng hộ thiên nhiên Kẻ Gỗ đã bị hủy diệt…
Sự thật đã được nhìn nhận, nếu không có sự “tiếp tay” thì “con lừa không thể chui qua lỗ kim”. Nhưng tại sao mật độ phá rừng ngày càng lớn, đến nỗi bây giờ khó tìm đâu ra con số thống kê chính xác là bao nhiêu ha rừng đã bị tàn phá, mà chỉ thấy lũ dữ xuất hiện ngày càng nhiều, người dân chân lấm tay bùn bị thiệt hại ngày càng lớn. Cái oái ăm nhất mà vẫn cứ tồn tại, dù xã hội đã kịch liệt phản đối: chỉ một ít kẻ “ăn” nhưng hàng triệu người dân phải chịu và gánh đủ hậu quả. Rõ ràng, nếu không có “biệt lệ” của một bộ phận cán bộ bảo vệ rừng biến chất, thì lâm tặc sao dám ngang nhiên lộng hành. Hậu quả của những “cái lệ kèm theo luật” này không chỉ làm người dân điêu đứng mà nhà nước phải trích ngân sách quốc gia được cấu thành từ tiền thuế của những người dân lương thiện để khắc phục.
Tại sao không xử triệt để bọn lâm tặc và người “tiếp tay” cho lâm tặc để cứu rừng và cứu dân?
Trần Toàn