Kết nối đầu tư khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TPHCM đã chú trọng xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, các cuộc thi nhằm đẩy mạnh phát triển nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã có cơ hội phát triển, gây dựng thương hiệu không chỉ ở trong nước mà còn cả ở thị trường quốc tế.

Động lực đổi mới sáng tạo

Trong năm 2021, tham dự giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2021 (I-Star 2021), nền tảng Cohota kiến trúc học tập tổng thể của công ty đã được hội đồng chuyên gia đánh giá cao, vì các giải pháp có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành giáo dục tại Việt Nam. Nền tảng bao gồm các kiến trúc không gian học tập trực tuyến tổng thể, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhờ những giải pháp này mà quá trình dạy học trở nên tinh gọn, giảm bớt sức người nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Ngoài ra, trong năm qua, Cohota đã phối hợp với Google để tạo ra nền tảng Google Assignment, Classin cho lớp học ảo; kết hợp với Sihub Classroom (Saigon Innovation Hub) đưa ra giải pháp lớp học ảo cho các chương trình học trên địa bàn TPHCM.

“Bước ra từ giải thưởng I-Star 2021, dự án khởi nghiệp của tôi đã có nhiều cơ hội để phát triển, không chỉ thị trường trong nước mà cả quốc tế. Cạnh đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế để tìm ra các giải pháp, công nghệ hiện đại ứng dụng trong ngành giáo dục. Điển hình như dự án đã được hơn 5.000 đơn vị sử dụng, triển khai ở các cấp học trong và ngoài nước”, ông Thái Chương, CEO Founder Công ty Cổ phần Cohota chia sẻ.

img-9978-278.jpg
Ông Phan Văn Hiệp, Giám đốc Công ty ITS (ngoài cùng bên tay phải) đang giới thiệu các sản phẩm máy sấy năng lượng mặt trời tại Hội thảo liên kết vùng giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên

Hay ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có thể kể đến sáng chế “máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời” do Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS, nghiên cứu sản xuất. Với thiết bị máy sấy này, có thể sấy hiệu quả tất cả các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, nhờ tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, nên đã giảm tối đa chi phí vận hành. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao nhờ áp dụng các công nghệ mới, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Những ngày đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thay đổi thói quen và nhận thức của người dân và doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất. Nhờ vào sự kết nối từ Sở KH-CN TPHCM, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Saigon Innovation Hub) mà các sản phẩm, giải pháp của công ty đã đến với thị trường. Nhiều đơn vị tại Việt Nam đã ứng dụng các công nghệ của chúng tôi vào quá trình sản xuất. Ngoài ra, công ty đã nhận được sự hợp tác chuyển giao công nghệ sản phẩm của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TP Cần Thơ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Ninh Thuận…”, ông Phan Văn Hiệp, Giám đốc Công ty ITS chia sẻ.

Khởi nguồn sáng tạo

Là đơn vị triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM giai đoạn 2012 – 2025, trong những năm qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ TPHCM (Saigon Innovation Hub) thường xuyên tổ chức các chương trình nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố thông qua kết nối mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp.

Trong năm 2023, Saigon Innovation Hub đã tổ chức 9 chương trình kết nối nhà khoa học, doanh nghiệp trong khu vực nghiên cứu và khu vực công dưới mô hình Inno-Coffee, cùng với 9 đơn vị sở, ngành. Hơn 300 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia tìm kiếm giải pháp trong giải quyết các bài toán chuyển đổi số trong khu vực công. Song song đó còn phối hợp với các đơn vị đến từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Canada... để tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên ở TPHCM và các nước trong khu vực.

Qua các cuộc thi, nhiều dự án trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp công nghệ cao, IoT, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm và giáo dục được đánh giá cao, có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn.

img-7957-1592.jpg
Hội thảo tìm kiếm các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống truy suất nguồn gốc do Saigon Innovation Hub tổ chức

Bà Đặng Thị Luận, Phó Giám đốc phụ trách Saigon Innovation Hub, cho biết, thời gian tới trung tâm sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM thông qua kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo. Một số chương trình dự kiến như: Investor meetup, Founder meetup và các buổi hội thảo, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp mới trong các lĩnh vực AI, Blockchain, Metaverse, Fintech, Edtech, Agritech…

Ngoài ra, mở thêm khóa huấn luyện nâng cao kiến thức kỹ năng khởi nghiệp, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường ở lĩnh vực y tế, giáo dục với mục tiêu hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Vừa qua, trung tâm đã hoàn thành khóa huấn luyện “Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023”. Khóa huấn luyện giúp các nhà khởi nghiệp trang bị thêm kiến thức kinh doanh, quy trình mua bán trên thương mại điện tử, xây dựng mô hình kinh doanh thích ứng với xã hội...

“Năm 2024, dự báo hoạt động đổi mới sáng tạo tại TPHCM sẽ sôi nổi và đa dạng hơn, trung tâm đã sẵn sàng tiếp nhận cơ sở vật chất mới hiện đại, vận hành trên nền tảng trực tuyến. Với mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM thông qua các lớp huấn luyện đào tạo, kết nối mạng lưới chuyên gia, tổ chức các hoạt động gặp gỡ giữa startup, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, bà Đặng Thị Luận chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục