Kết nối hàng Việt trong tình hình mới

Năm 2021, các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá các mô hình cung ứng hàng Việt cho người dân tại khu vực nông thôn, các địa phương vùng sâu, vùng xa... sẽ được doanh nghiệp, ngành hàng ở phía Nam chủ động triển khai phù hợp, hiệu quả hơn nhằm thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới. 
Nhiều sản phẩm nông sản của ĐBSCL được kết nối tiêu thụ tại hệ thống Co.opmart
Nhiều sản phẩm nông sản của ĐBSCL được kết nối tiêu thụ tại hệ thống Co.opmart

Đa dạng chương trình kết nối hàng Việt

Theo Bộ Công thương, giai đoạn sắp tới, cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản trong vùng sẽ được hưởng lợi nhiều. Cụ thể, hàng nông sản sẽ hưởng lợi thế về thuế quan, hàng thủy sản sẽ được giảm thuế về 0% khi xuất khẩu vào EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… Ngoài xuất khẩu, tại thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, mức tiêu thụ hàng nông thủy sản của người Việt cũng đang gia tăng. Do đó, việc kết nối hàng hóa cho doanh nghiệp để tận dụng những cơ hội này càng trở nên cấp thiết.

Trong năm 2021, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai sẽ triển khai các hoạt động kết nối hàng Việt, xúc tiến thương mại trong trạng thái “bình thường mới” với các nội dung, chương trình, cách thức phù hợp. Cụ thể, với hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị và địa phương dự kiến tổ chức 30 chuyến hàng Việt về các khu công nghiệp và nhà máy phục vụ công nhân, người lao động. Sẽ tổ chức 2 phiên chợ công nhân và 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Trung tâm cũng dự kiến xây dựng 6 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Với TPHCM, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong điều kiện bình thường mới, năm 2021, thành phố sẽ triển khai nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp hàng Việt với các kênh phân phối như Saigon Co.op, Satra, Big C… Cụ thể, tổ chức “Tuần lễ trưng bày sản phẩm Việt tại các hệ thống siêu thị”, “Kết nối nhà cung cấp với hệ thống siêu thị”… Từ đó giúp doanh nghiệp hàng Việt xem xét, đánh giá lại quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng cũng như bổ sung các giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, định vị lại sức hút của sản phẩm đối với khách hàng. 

Ở các địa phương như Cần Thơ, An Giang… cũng đã có những kế hoạch cụ thể cho hàng Việt tiếp cận hệ thống kênh phân phối trong năm nay. An Giang ngoài tổ chức các chuyến hàng về nông thôn, các phiên chợ - hội chợ kết nối cung cầu sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ hàng Việt vào các kênh phân phối Bách hóa Xanh và Vincommerce. Lý do, đây là những kênh phân phối tiện lợi đang phát triển rộng khắp trên địa bàn và có nhu cầu phân phối các mặt hàng thiết yếu, nông sản an toàn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. 

Tạo đầu ra hiệu quả cho hàng hóa

Thực tế cho thấy, thông qua các hoạt động hội chợ, phiên chợ và kết nối kênh phân phối đã giúp hàng Việt có đầu ra ổn định hơn, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm hàng Việt giá tốt, an toàn và đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, nhận xét, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh sau khi tham gia các hội chợ, phiên chợ đã có doanh thu bán hàng tốt hơn. Đây là cơ sở để Sở Công thương tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình mới năm 2021. 

Trong khi đó, việc kết nối được với kênh siêu thị, sản phẩm của doanh nghiệp cũng có chỗ đứng tốt hơn trong mắt người tiêu dùng. Bà Trần Thị Mỹ Dung, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Lệ (Long An), khẳng định, khi sản phẩm được phân phối trong hệ thống siêu thị thì khả năng tiếp cận người tiêu dùng cao hơn, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm sẽ ngày càng được củng cố. Thông qua mức độ tiêu thụ hệ thống phân phối, doanh nghiệp định vị lại sức hút của sản phẩm đối với khách hàng để có kế hoạch phát triển tối ưu nhất.

Theo các nhà bán lẻ, năm 2021, họ có nhu cầu rất lớn với những sản phẩm hàng Việt để bày bán tại hệ thống. Siêu thị Satra có nhu cầu tìm nhà cung ứng hàng hóa đa dạng, phong phú từ đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm. Saigon Co.op với gần 1.000 điểm bán trên khắp cả nước cũng có nhu cầu rất lớn từ nông sản, thực phẩm cho tới những mặt hàng tiêu dùng khác. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ, năm nay nhà bán lẻ này sẽ tăng cường hoạt động kết nối với các tỉnh thành, địa phương trên cả nước, thậm chí nước ngoài; nhằm đảm bảo đưa hàng Việt tiếp tục trở thành trụ cột và vươn lên trong nền kinh tế. 

Dù có nhu cầu kết nối nhà cung cấp lớn, song theo các nhà phân phối, để có thể đưa hàng hóa vào kênh siêu thị, doanh nghiệp sản xuất phải trải qua quy trình nhiều bước như: cung cấp hồ sơ thông tin DN, tiêu chuẩn hàng hóa, xác nhận khả năng hợp tác kinh doanh, thỏa thuận hợp đồng, đưa hàng bày bán thử nghiệm. Sau 2-3 tháng, bên thu mua sẽ đánh giá lại mức độ phù hợp với thị hiếu và khả năng hợp tác phân phối sản phẩm lâu dài. Hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa là điều kiện quan trọng nhất quyết định khả năng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối thành công.

Tin cùng chuyên mục