Làm gì để tăng sức thu hút du khách đến đây là nội dung trao đổi của phóng viên Báo SGGP với đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh.
- PHÓNG VIÊN: Đồng chí đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch của Tây Ninh hiện nay?
>> Đồng chí TRẦN LƯU QUANG: Phải nói rằng, Tây Ninh có tiềm năng rất lớn bởi các lý do: rất gần TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, rất gần các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nên lượng du khách tiềm năng rất lớn; Tây Ninh cũng có Khu du lịch (KDL) núi Bà Đen mà trọng tâm là chùa Bà, một năm đón khoảng 2,5-2,6 triệu lượt khách. Ngoài ra, tỉnh còn một số điểm du lịch nữa như: Thánh thất đạo Cao Đài - một tôn giáo độc đáo (hiện dân số Tây Ninh có đến 46% là theo đạo Cao Đài), đây là đặc điểm văn hóa ấn tượng; hay di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, nếu chúng ta biết khai thác tốt thì đó là một lợi thế lớn.
- Thế còn tiềm năng về du lịch làng nghề, thưa đồng chí?
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển, nhưng đây là lĩnh vực khó, vì làng nghề nhưng phải độc đáo, nếu chỉ dừng lại ở chỗ nướng bánh tráng Trảng Bàng, ăn bánh canh không thôi thì chưa đủ sức hút. Theo các chuyên gia, tốt nhất là mình kết nối từ du lịch tâm linh đến làng nghề truyền thống - nghỉ dưỡng, thành một bộ sản phẩm du lịch để du khách có thể lưu lại Tây Ninh từ 1-3 ngày, ngoài ra có thể nối tour đi Campuchia và các vùng khác như Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ.
- Đồng chí có suy nghĩ gì về liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch?
Liên kết vùng của chúng ta rất lỏng lẻo, chỉ mang tính hình thức, do thói quen, do cơ chế nên hầu như chỉ dừng lại ở các hội nghị tổng kết, còn cụ thể, địa phương nào liên kết được thì thực hiện riêng rẽ. Tôi cho rằng, trong xu thế kinh tế thị trường phát triển ngày một sâu rộng như hiện nay, cần phải có liên kết bằng các chương trình hành động cụ thể, căn cơ. Riêng Tây Ninh nằm gần thị trường du lịch lớn nhất của vùng và cả nước là TPHCM, nên thực hiện liên kết là việc phải làm. Vấn đề ở đây là phải đầu tư để tạo ra được sản phẩm du lịch đủ sức lôi kéo được du khách. Có nghĩa là mình phải có địa chỉ ăn, chơi, ngủ nghỉ ở đâu rồi mới kết nối thì mới tạo ra sự gắn kết thật sự.
- Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có giúp ích gì cho phát triển du lịch Tây Ninh?
Trước và sau khi có Nghị quyết 08 hầu như không có sự khác biệt lớn lắm. Nhưng chúng tôi cảm thấy tự tin hơn vì có “bảo bối” để thực hiện, giúp mình mạnh dạn hơn. Hy vọng trong năm 2018, du lịch Tây Ninh sẽ có bước đột phá.
- Cái thiếu quan trọng của du lịch Tây Ninh hiện là gì và giải pháp ra sao, thưa đồng chí?
Như tôi đã nói, trong thời gian gần đây, mỗi năm tỉnh đón từ 2,5-2,6 triệu lượt khách, nhưng điều đáng nói ở đây là họ chỉ xài có 300.000 - 400.000 đồng cho chuyến du lịch tại Tây Ninh do sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Tỉnh mong muốn làm sao để nguồn thu từ du lịch tăng lên, việc chi tiêu của du khách tăng lên bằng các sản phẩm du lịch mới, khác biệt. Thời gian qua, tỉnh cũng rất cố gắng nhưng chưa có nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng bỏ tiền tỷ nhưng nhặt tiền xu, có nghĩa là nhà đầu tư phải có năng lực tài chính nhưng đồng thời phải biết làm du lịch, phải tâm huyết. Do đó, tỉnh đang kêu gọi đầu tư với những tập đoàn lớn như Sun Group - là doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án lớn trong đó có Bà Nà Hill ở TP Đà Nẵng; khu nghỉ dưỡng 5 sao ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) - nghiên cứu, khảo sát tìm ý tưởng để đấu thầu thực hiện một số dự án ở Tây Ninh. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, so với các địa phương khác, cơ chế chính sách của Tây Ninh cũng không khác nhiều, nhưng điều chúng tôi muốn là các nhà đầu tư thấy được sự hết lòng của tỉnh Tây Ninh.