Kết thúc Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở TPHCM: Gieo gì gặt nấy

“Hầu hết nhân sự cấp ủy dự kiến đều trúng cử, tăng số lượng và chất lượng, đáng kể nhất là tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ khoa học công nghệ so với nhiệm kỳ trước” là nhận định của đồng chí Huỳnh Thị Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội Đảng của Thành ủy TPHCM về Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở TPHCM vừa kết thúc vào ngày 16-9.
Kết thúc Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở TPHCM: Gieo gì gặt nấy

“Hầu hết nhân sự cấp ủy dự kiến đều trúng cử, tăng số lượng và chất lượng, đáng kể nhất là tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ khoa học công nghệ so với nhiệm kỳ trước” là nhận định của đồng chí Huỳnh Thị Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội Đảng của Thành ủy TPHCM về Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở TPHCM vừa kết thúc vào ngày 16-9.

Đúng quy trình, quy định 

Công tác chuẩn bị nhân sự khá kỹ và bảo đảm đúng quy trình, quy định, mở rộng dân chủ là nguyên nhân giúp đại hội ở hầu hết Đảng bộ cấp trên cơ sở (nhiệm kỳ 2010-2015) ở TPHCM thành công như mong đợi. Dù đại biểu có đề cử, ứng cử thêm thì việc đại hội không tín nhiệm hoặc các trường hợp đề cử tự nguyện xin rút tên cũng là việc bình thường, thể hiện dân chủ trong Đảng.

Trong số 56/62 đại hội công bố đề án nhân sự tại đại hội, có 39 đại hội đề cử 126 đồng chí ngoài phương án nhân sự. Có 53 đồng chí ở quận-huyện và 48 đồng chí khối sở-ngành-cơ quan trung ương xin rút. Trong 25 đồng chí giới thiệu thêm ngoài danh sách, đáng chú ý là không có ai ở quận-huyện trúng cử, chỉ có 6 đồng chí khối sở-ngành đủ số phiếu tham gia cấp ủy khóa mới.

Nét mới là 2 chỉ tiêu cán bộ nữ và cán bộ trẻ đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đại hội Thành ủy TPHCM, đó là nhờ làm tốt công tác chuẩn bị từ các khâu quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí, luân chuyển cán bộ. Trong 1.811 đồng chí tham gia BCH (tăng 189 so nhiệm kỳ trước), có 394 nữ đạt tỷ lệ 21,75%, trong đó khối quận-huyện 26,63%, khối sở-ngành 15,5%. So nhiệm kỳ trước tăng 0,54%.

Đối với cán bộ trẻ dưới 35 tuổi có 172 đồng chí (tỷ lệ 9,5%), so với nhiệm kỳ trước tăng 3,21% (quận-huyện tăng 3,3%, sở-ngành tăng 3,11%). Đa số cán bộ trẻ sinh năm 1972 được chỉ định bổ sung trước đại hội (tỷ lệ 10% trong BCH quận-huyện) đều trúng cử và nhiều đồng chí giữ chức bí thư, chủ tịch quận-huyện.

Một điểm mới là trình độ đại học, trên đại học của cấp ủy viên tăng hơn nhiệm kỳ trước 8,95% và trình độ lý luận cao cấp chính trị (cử nhân) tăng 0,44%. Kết quả 10 đơn vị thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy cũng đều đạt yêu cầu của Trung ương.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Bình Tân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Bình Tân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bảo đảm tính kế thừa và phát triển

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Huỳnh Thị Nhân cho rằng: “Bên cạnh thành công, những mặt tồn tại là kinh nghiệm quý cho các đơn vị. Các đơn vị phải có kế hoạch chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng khóa 2015-2020 ngay từ bây giờ. Không để nước đến chân mới nhảy”.

Đa số trường hợp dự kiến bị rớt BCH hoặc bầu thiếu cấp ủy, thiếu thường vụ đều có nguyên nhân chủ quan. Một vài cán bộ nữ, cán bộ trẻ tới sát đại hội trước 6 tháng, thậm chí là 3 tháng mới được bố trí, điều động, vì thế không có điều kiện thể hiện năng lực, nên không đủ tín nhiệm với đại hội.

Lại có nơi khá dửng dưng, khi tổ công tác Thành ủy đi kiểm tra, yêu cầu cơ cấu cán bộ trẻ, nữ vào BCH, đơn vị mới miễn cưỡng… làm quy trình. Hoặc có nơi bố trí số cán bộ này giữ cấp phó hoặc chức danh không cơ cấu, thành ra, có những nơi BCH tăng về số lượng nhưng đối tượng lại không rơi vào cán bộ trẻ, nữ như chỉ đạo của Thành ủy TPHCM.

Có 7 cấp ủy quận-huyện tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 10% và 15 quận-huyện cán bộ nữ dưới 30%; có 13 đảng bộ không cơ cấu được cán bộ trẻ dưới 35 tuổi. Có 3 Đảng bộ không có cán bộ nữ trong cấp ủy. Nhiều đơn vị lấy lý do “đặc thù lĩnh vực hoạt động”, nhưng thực ra, cấp ủy chưa quan tâm. Nếu có thì chưa mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, không tạo môi trường cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ trưởng thành, nên đến khi cần nguồn lại không có. Đó là chưa kể những trường hợp sợ mất vị trí ở một bộ phận cán bộ “đàn anh”.

Ngoài ra, do đánh giá nhân sự chưa sát, quản lý cán bộ chưa chặt, hoặc còn nể nang, dễ dãi với nhau, chưa lường hết mọi tình huống diễn ra trong đại hội nên có 49 trường hợp cấp ủy viên tái cử không trúng cử, trong đó có 2 ủy viên thường vụ quận-huyện và 5 ủy viên thường vụ ở sở-ngành.

Việc 9/23 quận-huyện bầu thiếu ủy viên thường vụ (các quận 2, 7, 11, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè) có lý do thiếu nguồn đáp ứng quy định số dư 20%. Thông thường, những nơi bầu 11 thường vụ dễ trúng hơn bầu 13 hoặc 15, lý do là số tái cử và cơ cấu “cứng” dường như đã được định sẵn từ trước. Số bầu thường vụ tăng thêm theo yêu cầu chiếm 1/3 BCH một mặt chưa đủ uy tín trong BCH mặt khác đại biểu chưa quen bầu thường vụ đối với các chức danh “lạ”.

Ngay trước đại hội, việc xác định phường nào trọng điểm, phòng nào quan trọng để cơ cấu thường vụ cũng chưa được thống nhất cao trong nội bộ. Nguyên nhân cơ bản là công tác tạo nguồn chưa tốt, chưa giới thiệu cán bộ thật sự nổi trội hoặc do cán bộ có nhiều sai sót khi làm việc, do năng lực thấp, uy tín chưa cao. Có 6 đồng chí được cấp ủy quận-huyện cũ chuẩn bị và Ban Thường vụ Thành ủy giới thiệu ứng cử vào ban thường vụ quận-huyện, nhưng đại hội lại không bầu vào BCH (quận 8, 9, 10, Tân Phú, huyện Củ Chi)…

Đại hội Đảng bộ ở 65 đơn vị cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015 ở TPHCM một lần nữa lại chỉ ra bài học “gieo gì gặt nấy” từ các nhiệm kỳ trước. Đó là công tác cán bộ không thể tiến hành một sớm một chiều mà đòi hỏi cả quá trình, với quy trình chặt chẽ, có quy hoạch dài lâu và với sự chuẩn bị công phu bảo đảm tính kế thừa và phát triển. 

TUẤN SƠN

- Thông tin liên quan:

>> Kết thúc Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở TPHCM: Không có bất ngờ lớn về kết quả nhân sự

Tin cùng chuyên mục