Kêu gọi tẩy chay hàng nhái, hàng giả

Để từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, cần phải thực hiện cuộc vận động người tiêu dùng tẩy chay hàng gian, hàng giả...
Doanh nghiệp hướng dẫn phân biệt áo hàng chính hãng với hàng giả mạo. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp hướng dẫn phân biệt áo hàng chính hãng với hàng giả mạo. Ảnh: CAO THĂNG

Ngày 23-8, tại hội nghị tọa đàm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến lĩnh vực thực phẩm do Sở Công thương phối hợp với Hội chế biến lương thực, thực phẩm TPHCM tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bức xúc khi cho rằng, các nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam đang bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng bởi cả DN nội lẫn DN ngoại.

Thật giả lẫn lộn

Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn. Bất kỳ hàng hóa nào bán chạy trên thị trường là nhanh chóng xuất hiện hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường TP cho biết thêm, hàng giả vừa được các đối tượng sản xuất trong nước, vừa nhập từ nước ngoài. Cụ thể, hàng giả sản xuất trong nước dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi. Sau đó, tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn đặt hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao cho khách hàng, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ. Còn hàng giả sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam qua nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, buôn lậu để gia công, đóng gói, pha trộn, lắp ráp,... rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Những sản phẩm phổ biến thường bị làm giả trong nước là hàng tiêu dùng thiết yếu, điện máy, phụ tùng xe, hàng thời trang cao cấp, thuốc (cho người, thú y, bảo vệ thực vật), vật liệu xây dựng, phân bón... Còn hàng giả sản xuất tại nước ngoài, như hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông, hàng giả những nhãn hiệu nổi tiếng…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện 310 vụ hàng giả, hàng xâm phạm nhãn hiệu. Trước đó, trong năm 2016, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 1.653 vụ về hàng giả và vi phạm về nhãn, xử phạt hành chính với tổng số tiền là gần 17 tỷ đồng.

Triệt tiêu hàng giả, cách nào?

Lý giải thực tế này, ông Nguyễn Thành Phương thừa nhận, về phía các cơ quan thực thi pháp luật chưa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau. Việc cung cấp và trao đổi thông tin còn hạn chế. Thậm chí, cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Văn bản pháp luật quản lý và chế tài còn nhiều vướng mắc, bất cập (thủ tục trình tự xử lý đơn thư, kiểm định, giám định hàng hóa, xử lý còn chồng chéo...). Nhận thức và năng lực chuyên môn của cán bộ công chức thực thi chưa cao. Mặt khác, về phía các DN chưa áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để bảo vệ hàng hóa sản xuất của mình; nhiều DN ngại tố giác hàng giả vì sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, các DN nội không chỉ đối mặt với việc xâm phạm nhãn hiệu mà còn có nguy cơ vi phạm quyền sở hữu thương hiệu chỉ dẫn địa lý. Điển hình nhất là những vụ việc kiện tụng kéo dài liên quan đến nhãn hiệu như Nước mắm Phú Quốc, gia vị Bún bò Huế, Cà phê Trung Nguyên... Do vậy, để từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, cần phải thực hiện cuộc vận động người tiêu dùng tẩy chay hàng gian, hàng giả. Đồng thời, có các biện pháp chế tài thật mạnh, thậm chí nâng lên mức xử lý hình sự thay vì chỉ xử phạt hành chính ở mức phạt vài chục triệu đồng như hiện nay.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Chế biến lương thực thực phẩm TPHCM, nhấn mạnh thêm, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: DN cần đầu tư dây chuyền công nghệ mới, hiện đại, kết hợp quản lý chặt chẽ đội ngũ nhân viên và chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, tăng chế tài xử phạt; với người tiêu dùng, các tổ chức đoàn thể cần thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân chống lại tệ nạn hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng...

Vụ doanh nghiệp “Lao đao vì hàng nhái” Doanh nghiệp vi phạm hứa thu hồi sản phẩm

Tại buổi làm việc với Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long ngày 14-8,  ông Phạm Minh Hiền, đại diện Công ty TNHH liên doanh Bột Sài Gòn hứa sẽ thu hồi sản phẩm bột bánh xèo Hương Quê nền vàng, viền đỏ ở hệ thống phân phối cũng như các đại lý trong thời gian 1 tháng (đến hết 15-9-2017). Bên cạnh đó, công ty vi phạm cũng cam kết không sử dụng bao bì cũ có dấu hiệu xâm phạm quyền tính từ ngày 10-8-2017, mà thay vào đó sẽ dùng bao bì Hương Quê loại mới nền vàng, viền xanh. 

Cách nay khoảng 5 tháng, Báo SGGP đã khởi đăng loạt bài “Lao đao vì hàng nhái”, trong đó phản ánh sản phẩm bột bánh xèo Hương Xưa của Công ty liên doanh Bột Quốc tế (Intermix) bị Công ty TNHH liên doanh Bột Sài Gòn làm nhái bằng sản phẩm bột bánh xèo Hương Quê. Sau khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc kiểm tra, xử lý.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục