“Thi hứng và Hú họa”

Khác biệt “cảm” và “nghĩ” trong hội họa

Khác biệt “cảm” và “nghĩ” trong hội họa

"Thi hứng và Hú họa” là tên phòng tranh của hai nhà văn Trần Nhương (Thi hứng) và Nguyễn Khắc Phục (Hú họa) sẽ được khai mạc ngày 1-7-2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Khác biệt “cảm” và “nghĩ” trong hội họa ảnh 1

“Cô bé và con chim xanh” - tranh của nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Với nhà văn Trần Nhương, đây không phải lần đầu ông triển lãm tranh. Ông đã có hai triển lãm cá nhân (1998 và 2003) và vài triển lãm chung với bạn bè.

Năm 2005, ông đã có Thi hứng 1 trong triển lãm tranh Nhà văn vẽ. Trên trang web trannhuong.com, nếu ai đã vào đều được xem tranh mới của ông hàng tuần.

Dù vẽ bằng chất liệu nào, màu nước, acrylic hay sơn dầu thì tranh Trần Nhương vẫn thể hiện chủ đề CẢM trữ tình mềm mỏng, dịu nhẹ. Trong tranh ông người ta thấy ánh trăng bàng bạc, ánh nắng mỏng manh xuyên qua lá, qua đường làng, lan tỏa trên những ruộng bậc thang xanh rờn lúa non.

Xem tranh Trần Nhương thấy tình cảm của tác giả chân chất, mộc mạc và luôn dành tình yêu cho miền quê Trung du máu thịt của ông.

Khác với nhà văn Trần Nhương, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa chạm vào lĩnh vực “thể hiện ý nghĩ bằng màu sắc” này. Ông chính thức cầm mẩu sáp màu vẽ ngày 10-3-2008. Trong 30 phút “ngó ngoáy mẩu sáp, một cái đầu đàn ông hiện ra rất sinh động. Bạn bè thấy bức tranh (tạm gọi thế) có hồn vía, thần sắc, nên hùa vào động viên ông vẽ tiếp. Điều không ai ngờ là sau một tuần vẽ sáp màu của học sinh, gần chục bức tranh sáp màu đã khiến bạn bè ngạc nhiên thực sự... Và, một tuần sau đó là màu nước, rồi acrylic, đến sơn dầu. Sau 60 ngày, đúng 10-5-2008 ông dừng vẽ. 60 bức tranh xếp ngay ngắn với đủ các thể loại, kích cỡ khá phong phú, đa dạng cả nội dung lẫn màu sắc.

Phòng tranh thực sự mang đến cho khách tham quan cách nhìn lạ lẫm về ý nghĩ được ông thể hiện trong tranh.

Khác biệt “cảm” và “nghĩ” trong hội họa ảnh 2

“Đường làng” - tranh của nhà văn Trần Nhương.

Sự khác biệt chính của hai nhà văn này cũng là một đề tài cho khách tham quan bàn tán.

Tranh Trần Nhương thiên về cảm thụ thiên nhiên. Tranh Nguyễn Khắc Phục nặng về tư duy, triết lý.

Mỗi bức tranh Trần Nhương là một góc quê hương, một góc con người với mái nhà thân thuộc. Mỗi bức tranh của Nguyễn Khắc Phục là một câu chuyện về nhân gian, thời thế.

Cả hai nhà văn đều đi theo mạch Cảm và Nghĩ của riêng mình. Sự khác biệt đó như dòng sông có đôi bờ không cùng chất đất, nhưng cả hai bờ cùng nâng niu dòng nước nguồn trong veo để nuôi dưỡng cỏ cây, con người.

Về chất lượng nghệ thuật của tranh, chúng ta để các nhà chuyên môn đánh giá. Nhưng thú vị là phòng tranh có nhiều bức tranh đã có chủ sở hữu.

Thi hứng vì nhà thơ Trần Nhương từ lâu đã chuyển Thi thành Họa? Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phục giải thích về Hú họa: “Tôi không phải họa sĩ, tôi chỉ mới bắt đầu vẽ, mà chưa từng học vẽ. Tôi làm việc này hú họa, chứ không phải là hội họa. Nếu tranh đẹp thì may mắn là tôi đã làm được cái gì đó. Nếu vẽ xấu tôi cũng chẳng ngại, vì tôi chỉ vẽ hú họa cùng bạn bè cho vui chứ không nghĩ vẽ để bán hay trưng bày. Ông Nhương rủ triển lãm, tôi ngài ngại. Bạn bè và ông ấy động viên giúp đỡ chân tình. Ừ thì triển lãm, tôi cảm ơn bạn bè nhiều lắm”.

Có lẽ đúng, nếu tranh Nguyễn Khắc Phục xấu cũng chẳng ai chê trách, vì ông chỉ vẽ hú họa, ông không phải họa sĩ! Nếu tranh đẹp, tất cả chúng ta đều nghĩ, ai cũng có một năng khiếu bẩm sinh tiềm ẩn đâu đó. Bằng chứng hiển nhiên đấy, 62 tuổi - trong 60 ngày - nhà văn Nguyễn Khắc Phục khám phá ra mình biết vẽ. 

VÂN CƠ

Tin cùng chuyên mục