Khắc phục bất cập, phục vụ dân tốt hơn

Đây là câu hỏi mà phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng trong quá trình tác nghiệp thực hiện bài viết về xây dựng chính quyền đô thị gặp nhiều nhất. Quả vậy, đối với người dân, điều quan tâm lớn nhất là quyền lợi của họ, của cộng đồng sẽ như thế nào khi TPHCM thí điểm thực hiện chính quyền đô thị. TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính nhưng vì nhiều nguyên nhân, nỗ lực này đã chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Khắc phục bất cập, phục vụ dân tốt hơn

Xây dựng chính quyền đô thị: người dân được lợi gì?

Đây là câu hỏi mà phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng trong quá trình tác nghiệp thực hiện bài viết về xây dựng chính quyền đô thị gặp nhiều nhất. Quả vậy, đối với người dân, điều quan tâm lớn nhất là quyền lợi của họ, của cộng đồng sẽ như thế nào khi TPHCM thí điểm thực hiện chính quyền đô thị.

TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính nhưng vì nhiều nguyên nhân, nỗ lực này đã chưa đạt được kết quả như mong muốn.

        Sở ngành chồng chéo chức năng, dân chạy… lòng vòng

Câu chuyện đã qua đi gần 2 năm nhưng anh H.K. ngụ tại phường 4 quận Phú Nhuận vẫn không khỏi bức xúc khi nhớ lại. Nhà anh ở trong một khu cư xá cũ, tường chung với các hộ xung quanh. Năm 2000 và 2002 các hộ chung tường với nhà anh xây nhà mới, còn anh mãi đến năm 2005 mới quyết định làm lại nhà. Công tác xây dựng không trở ngại vì tất cả những giấy tờ liên quan đến ngôi nhà, anh H.K. đều có đầy đủ. Khó khăn chỉ phát sinh khi anh làm giấy tờ hoàn công, cán bộ xây dựng quận đến đo đạc diện tích xây dựng và phát hiện nhà anh bỗng dưng… rộng ra hơn 10cm so với trước.

Nguyên nhân được xác định là do các hộ xung quanh xây trước, gia đình anh H.K. xây dựng cuối cùng “vô tình” được hưởng thêm phần tường chung. Anh H.K. cho biết, vì diện tích tăng thêm này gia đình anh đã mất đến hơn hai năm “chạy lòng vòng” để làm lại toàn bộ giấy tờ nhà.

Không chỉ người dân mà ngay cả doanh nghiệp với khả năng thuê đội ngũ tư vấn pháp luật hùng hậu cũng gặp những chuyện… mệt mỏi như trên. Trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TPHCM tổ chức trung tuần tháng 6-2013 vừa qua, bà Nguyễn Thị Triệu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Minh Hòa, cho biết, từ năm 2004 doanh nghiệp đã có đơn gửi lên nhiều sở ngành liên quan để hỏi về việc lập quy hoạch cho khu đất rộng 13.000m² của đơn vị, nhưng đến thời điểm tổ chức buổi đối thoại vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Một góc thành phố trung tâm của Chính quyền đô thị tương lai. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Một góc thành phố trung tâm của Chính quyền đô thị tương lai. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Tại sao có những chuyện như trên? Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là sự bất cập trong công tác tổ chức bộ máy công quyền tại TPHCM.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM về phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam, hiện nay các sở tại TPHCM đều thực hiện hai chức năng là tham mưu cho UBND TP về quy hoạch, phát triển ngành và quản lý ngành. Tuy nhiên, các quận lại được phân cấp mạnh nên đã có sự phân khúc và chồng chéo trách nhiệm giữa sở và các quận, huyện. Câu chuyện của anh N.K. rơi vào tình huống “quận nói phải xin ý kiến của sở, phường thì chờ ý kiến của quận”. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân Minh Hòa, do khu đất nằm trên địa bàn quận 8, sát một con kênh, đồng thời theo quy hoạch giao thông sẽ có một con đường đi qua nên doanh nghiệp phải loay hoay đi tìm câu trả lời ở Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận 8…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị mà TPHCM đang đề xuất, những trường hợp như trên sẽ được hạn chế tối đa. Các sở chuyên ngành sẽ thống nhất quản lý lĩnh vực trên toàn địa bàn thành phố nên người dân sẽ biết ngay địa chỉ nào có trách nhiệm giải quyết công việc của mình.

Mô hình chính quyền đô thị với 4 đô thị độc lập và một đô thị trung tâm sẽ giúp người dân tiếp cận các cơ quan công quyền gần hơn, thuận tiện hơn. Bốn đô thị độc lập được chủ động trong việc quản lý đô thị sẽ có điều kiện giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế nhanh. Để “siêu đô thị” TPHCM như hiện nay, nhiều vấn đề giải quyết dồn lên UBND TP đang làm cho cơ quan này quá tải.

        Phát triển bền vững cho tương lai

Bên cạnh việc lập và phê duyệt đồ án quy hoạch ở từng quận, huyện, theo Luật Quy hoạch đô thị, TPHCM đang tiến hành lập đồ án quy hoạch theo phân khu. Các phân khu được xác định không theo địa giới hành chính mà theo tính chất địa lý, điều kiện tự nhiên và kinh tế. Lợi ích của quy hoạch theo phân khu là sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và thích ứng hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy hoạch phân khu đang gặp khó bởi địa giới hành chính và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội riêng của mỗi quận. Sự riêng rẽ này đã không tạo được sức mạnh chung cho cả khu vực. Một ví dụ dễ hiểu cho vấn đề này được TS Nguyễn Trọng Hòa khái quát như sau: vì yêu cầu phát triển, mỗi quận, huyện sẽ phải cố để phát triển tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Điều này sẽ không hợp lý đối với huyện Cần Giờ, nơi có khu rừng dự trữ sinh quyển…

Tuy nhiên, nếu đồ án quy hoạch phát triển được hoạch định chung cho cả khu vực phía Nam thì huyện Cần Giờ sẽ chỉ phải tập trung bảo vệ rừng và phát triển dịch vụ du lịch, huyện Nhà Bè với khu công nghiệp Hiệp Phước, khu đô thị cảng Hiệp Phước… sẽ phát triển các ngành công nghiệp và cảng biển. Quận 7 có thể hình thành các trung tâm thương mại… Một sự hợp lý sẽ là điều kiện quan trọng để thành phố phát triển tốt hơn. Quyền lợi của người dân ở đây chính là được hưởng thụ thành quả phát triển của thành phố.

Một vấn đề khác trong phát triển bền vững, đó là việc tổ chức bộ máy quản lý đô thị. Bất cập hiện nay là bộ máy quản lý đô thị “na ná” nhau ở tất cả các quận, huyện. Quận 4 có diện tích khoảng 400ha và huyện Củ Chi có diện tích khoảng 44.000ha. Chỉ nói về diện tích, hai địa phương này đã chênh lệch nhau khoảng 100 lần và nếu so thêm về quá trình đô thị hóa thì quận 4 gần như đã được đô thị hóa hoàn toàn còn huyện Củ Chi mới chỉ một phần nhỏ là đô thị… Cả hai địa phương này đều có mô hình quản lý đô thị giống nhau với phòng quản lý đô thị vài chục nhân viên. Đây là điều không hợp lý. Không chỉ có quận 4 mà hầu như tất cả 13 quận nội thành cũ đều đã được đô thị hóa, khối lượng công việc trong quản lý đô thị không còn nhiều như 5 quận mới và huyện ngoại thành.

Hệ quả của tình trạng này là nơi thừa người, nơi thì thiếu người làm việc. Điều chỉnh bất cập này bằng cách: những nơi đang trong quá trình đô thị hóa cần có đội ngũ cán bộ đủ mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng để làm tốt hơn công tác quản lý đô thị. Công tác làm quy hoạch ở các khu vực đang đô thị hóa cần được đặc biệt quan tâm nhằm tạo ra những khu đô thị mới có môi trường sống tốt cho người dân.

Ngược lại, trong 13 quận nội thành cũ do quá trình đô thị hóa đã hoàn tất nên việc cần làm để quản lý đô thị là xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị thay cho quy hoạch. Tất nhiên, ở vài khu vực xập xệ, nếu cần chỉnh trang đô thị, chỉ làm quy hoạch chi tiết 1/500 cho riêng dự án ấy. Với mô hình chính quyền đô thị mà TPHCM đang xây dựng, những bất cập trên sẽ được điều chỉnh.

Một số chồng chéo hiện nay trong lĩnh vực xây dựng tại TPHCM

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết thông tin quy hoạch các khu vực. Tuy nhiên, muốn xin giấy phép xây dựng (theo quy hoạch) thì phải xin Sở Xây dựng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc không có thẩm quyền xử phạt khi công trình xây dựng sai kiến trúc. Sở Xây dựng mới có thẩm quyền này. TPHCM lập quy hoạch sử dụng đất theo mốc thời gian: từ 5 - 10 năm, quy hoạch xây dựng đô thị 15 - 20 năm. Trong khi đó, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm.

(Nguồn: Đề án Nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam)

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục