Đến tham dự lễ khai mạc, có các đồng chí: Dương Thế Trung, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM.
Triển lãm trưng bày hơn 80 tác phẩm của 51 họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc và nhóm tác giả, thuộc các thể loại: sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, thủy mặc, ký họa, tranh cổ động, gốm, tranh đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt...
Các tác phẩm thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc, tinh thần cách mạng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có những người nghệ sĩ - chiến sĩ từng tham gia trong nhiều chiến dịch, có mặt trên nhiều chiến trường, như: cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông, họa sĩ Phan Oánh, Trang Phượng...
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM Huỳnh Văn Mười cho biết, Hội Mỹ thuật TPHCM đã chuẩn bị cho cuộc triển lãm này từ khá lâu, thông qua việc phát động trại sáng tác mỹ thuật năm 2017 và phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức sáng tác, triển lãm sắp đặt đề tài “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân” cho 5 nhóm tác giả trẻ, chủ yếu là sinh viên.
"Triển lãm hôm nay là tình cảm của giới mỹ thuật TP tri ân, tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân cũng như cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Đồng thời, tiếp tục khơi dậy tình cảm cách mạng, truyền thống yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn vẹn nguyên bờ cõi, tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ - văn nghệ sĩ phải là chiến sĩ", Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM chia sẻ.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, cho rằng với sự phong phú, đa dạng của các tác phẩm triển lãm có thể thấy đề tài về lực lượng vũ trang và đấu tranh cách mạng đã phần nào quay trở lại, thu hút được sự quan tâm của lực lượng sáng tác. Đặc biệt, cách thể hiện cũng đã có những đổi mới, thoát khỏi lối mòn của tác phẩm mỹ thuật đề tài chiến tranh cách mạng trước đây. Nhiều tác phẩm nêu ý tưởng, cách điệu thay vì chỉ tả thực, tạo sự thu hút về nghệ thuật biểu hiện.
Dịp này, Hội Mỹ thuật TPHCM cũng trao 11 giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc nhất của triển lãm, gồm có: 1 giải Nhất cho tác phẩm Chân dung Lê Anh Xuân (điêu khắc, chất liệu đồng) của tác giả Phan Gia Hương; 2 giải Nhì cho tác phẩm Tải thương (sơn mài) của tác giả Nguyễn Thành Quốc Thạnh và Khúc ca Xuân Mậu Thân (gỗ, sắt, kiếng) của tác giả Nguyễn Hoài Huyền Vũ; 3 giải Ba được trao cho các tác phẩm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (composite) của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh, Vượt Trường Sơn (sơn khắc) của tác giả Trần Văn Quân và Tết Mậu Thân 1968 (sắt) của tác giả Nguyễn Tân. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 5 giải khuyến khích.