Khi nhà sàn… thiếu lửa

Ngồi trong ngôi nhà dài của già làng K’Duk ở buôn Đăng Đừng (thôn 6), xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, sao tôi thấy chống chếnh quá. Mọi người đang vít cong cần rượu để mừng cho già làng cất được ngôi nhà mới tinh tươm, rộng, dài hơn căn nhà xưa. Tôi tựa lưng vào vách nhìn khắp trong ngoài một lượt, sao thấy lành lạnh. À, hóa ra là thiếu ánh lửa bập bùng, thiếu mùi khói!

Ngồi trong ngôi nhà dài của già làng K’Duk ở buôn Đăng Đừng (thôn 6), xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, sao tôi thấy chống chếnh quá. Mọi người đang vít cong cần rượu để mừng cho già làng cất được ngôi nhà mới tinh tươm, rộng, dài hơn căn nhà xưa. Tôi tựa lưng vào vách nhìn khắp trong ngoài một lượt, sao thấy lành lạnh. À, hóa ra là thiếu ánh lửa bập bùng, thiếu mùi khói!

Thân thiết với gia đình đã chục năm nay, mỗi lần lên chơi, tôi đều say cái cảnh ngồi tựa lưng vào vách nhà đan bằng cây lồ ô đập rập, ngồi uống trà, uống rượu cần và trò chuyện với mọi người ngay bên bếp lửa. Nơi đó, chị Ka Mết, con gái út của già làng, vừa cười đùa tiếp chuyện, vừa thoăn thoắt nấu nướng. Chục phút bắc nồi là bố chị, chồng chị đã có những món ăn nóng hổi để mời khách. Thật thân thuộc, thật ngon mắt, ngon lòng! Không chỉ tôi mà bao nhiêu đoàn khách tây, ta khi tôi dẫn lên chơi, khảo cứu văn hóa của buôn người dân tộc Châu Mạ này cũng đều thích thú như thế. Nhưng giờ ngôi nhà mới mái lợp tôn, sàn gỗ, vách gỗ, cửa sổ có kính lùa nên không để bếp lửa ở trong nhà được nữa. Vì khói không thoát được, không ám được vào đâu - anh K’Kim, con rể già làng, phân trần.

Mọi chuyện bắt đầu bằng cái mái. Già làng K’Duk, 89 tuổi, bảo tập quán từ ngàn xưa của người Châu Mạ là làm nhà sàn, lợp mái bằng lá mây hoặc lá tranh, ít nhất 10 năm mới phải thay mái mới một lần. Ngoài chuyện hai loại lá ấy dai, bền, ít bị mối mọt, còn có một sự trợ giúp đắc lực là khói bếp. Bếp đặt ngay trong nhà, ngày nào cũng đun nấu vài ba lần, khói, muội củi bay lên bám vào vách ủ hương cho những ché rượu cần đặt quanh vách, sưởi ấm cho con người, tôi cho sàn, vách, mái nhà thêm một lớp da săn chắc để tránh mối mọt. Ngôi nhà dài cũ của già làng, mái lợp lá mây, được 11 năm.

“Tháng 3 năm 2012 làm lại nhà, cả nhà vào ăn ở trong rừng suốt một tuần mà không kiếm đủ lá mây, lá tranh để lợp nhà. Bà con làm nương phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và đốt nương nhiều quá nên cây mây, cỏ tranh chết hết. Thế là mái nhà đành lợp tôn”, anh K’Kim cho biết. Từ mái tôn cực chẳng đã, anh K’Kim phá cách luôn thêm mấy cái cửa sổ có kính lùa. Rồi mất chỗ của bếp lửa, của những chóe rượu cần, mất cả không khí ấm áp, đặc trưng của ngôi nhà dài. Kể từ ngày thành lập vào năm 1892 đến giờ, lần đầu tiên cái buôn hiện có 165 hộ gia đình (20 hộ người Kinh, 145 hộ người Châu Mạ) với hơn 900 người này sinh hoạt cộng đồng trong một ngôi nhà dài nửa nạc nửa mỡ.

Những cánh rừng bao la, rậm rạp quanh buôn bây giờ cũng đã trốc lở. Cây bản địa ngày ngày bị chặt hạ để mấy công ty lâm nghiệp trồng toàn bạch đàn làm giấy. Người dân thì đốt nương, phun thuốc hóa học để bảo vệ cây trồng mà vô hình trung là tận diệt môi sinh. Nghĩ quẩn khéo vài ba năm nữa cái cây nha gàng mọc dọc suối, ven đồi mà phụ nữ Châu Mạ vẫn hái lá về làm men rượu cần cũng tuyệt chủng! Rừng không chỉ là sinh cảnh để người ta nương náu, mưu sinh mà còn là không gian văn hóa. Mất rừng là mất hết.

Thôi, sao thiếu mỗi hơi lửa, mùi khói bếp mà sao đầu óc tôi miên man khiếp thế!

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục