Khi trứng cũng... làm giá

...Cứ đến tết, từ xưa đến giờ thường nghe “thịt mỡ, dưa hành…”, người miền ngoài với những món ăn truyền thống “3 ngày tết” hay cầu kỳ chăm chút; hình như ở miệt trong này, trong các món chính mang cúng ông bà có món thịt heo kho “tàu” với vài ba cái trứng vịt. Trứng gà, trứng vịt là món ăn dân dã, nhưng với tài chế biến cũng có thể thành những thực phẩm cấp cao. Vào mùa Trung thu, lẽ thường trứng vịt hay tăng giá, chứ vào tết, chưa thấy năm nào như năm nay, loại thực phẩm bình dân… ngon bổ rẻ như trứng gia cầm này lại làm nổi sóng thị trường cả nước.

Thị trường Hà Nội choáng vì giá trứng tăng, hệ thống siêu thị ở TPHCM ngợp với rồng rắn người xếp hàng vét sạch các quầy bán trứng… Đắt hàng nhưng từ người quản lý đến người tham gia bán hàng bình ổn lại phấp phổng lo âu!

Vì sao, dù không phải thuộc diện hàng “tết” nhưng trứng gia cầm lại tăng giá vùn vụt, lại tăng khá sớm đúng vào thời điểm 1 tháng trước ngày mùng một Tết Quý Tỵ, lúc mọi người… chưa lo mua sắm cái ăn vào dịp tết? Nhiều lý giải về việc trong vòng 1 tuần lễ từ 4-1 giá trứng gà trứng vịt liên tục leo thang làm xiếc với mức tăng có tỷ lệ khoảng 30%.

Có những ý kiến cho rằng do biến động từ năm ngoái, người nuôi gà vịt thất bát, buộc phải bỏ đàn tách đàn; hoặc do người tiêu dùng miền ngoài chuộng thịt gà đẻ thải loại nhập từ nước ngoài nên có mấy doanh nghiệp (có vốn đầu tư của nước ngoài tại TPHCM và Đồng Nai) xuất bán hàng chục ngàn con gà còn trong tuổi đẻ. Có người còn vô tư… đổ thừa bởi nhà nước cấm nhập gà quá đát và trứng nhập lậu từ nước ngoài, cho dù họ biết tỏng rằng loại thực phẩm này là không sạch.

Cùng với những cách lý giải dân dã như trên, nay có thêm vài dấu hiệu không bình thường, khiến nhà quản lý phải đặc biệt để ý đến - và cần phải xử lý dứt khoát, căn cứ theo luật pháp hiện hành đối với tình trạng độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh - là hiện tượng làm giá của một vài doanh nghiệp lớn vốn đã và đang khống chế khoảng 30% nhu cầu thị trường trứng gia cầm.

Còn nhớ năm ngoái, một số mặt hàng nông sản lao đao vì giá, số một như cá tra và danh giá như tôm sú cũng vẫn choáng vì sự khắc nghiệt của thị trường, thực chất do những yếu kém từ chính những tồn tại tự thân.

Mở đầu năm nay, lại đến trứng gia cầm. Đã đến lúc, không thể cứ mãi làm ăn theo kiểu chụp giựt mạnh ai nấy làm, rồi cùng gánh chịu hậu quả. Vẫn là những nguyên tắc bao đời là tổ chức sản xuất chế biến - phân phối - tiêu dùng. Bài học gắn kết “đầu vô - đầu ra” một dạo nghe rôm rả, cũng sớm tắt theo kiểu phong trào.

Thời gian gần đây, TPHCM đã nỗ lực đồng hè tất tả ráp cùng các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên (Đà Lạt - Lâm Đồng) tổ chức nguồn hàng theo kiểu mua tận gốc bán tận nơi và chủ động giành từng thị phần nhờ vào việc hỗ trợ và tổ chức mạng lưới sản xuất và cung ứng hàng hóa. Đó là một phần mục tiêu nhắm đến của chương trình bình ổn giá, đã và đang phát huy tác dụng, được nhiều địa phương trong cả nước nghiên cứu vận dụng.

Chính những nỗ lực bước đầu này đã mang lại hiệu quả tức thời góp phần kềm tốc độ tăng giá - giảm phát, thể hiện vai trò điều tiết thị trường bằng cơ chế thị trường, xác lập một cách căn cơ hơn chuỗi sản xuất, cung ứng và lưu thông phân phối, kiểm soát chất lượng và độ an toàn thực phẩm, loại bỏ dần những khâu trung gian làm tăng phí, phục vụ trực tiếp người tiêu dùng... Những phản ứng dứt khoát và kịp thời của cấp quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại về bình ổn giá, trong đó có giá trứng gia cầm, khả dĩ như lời cam kết tự tin là ít nhất lo cho dân có một cái tết đúng nghĩa tiết kiệm và an lành.

Thị trường TPHCM tiêu thụ lượng trứng gia cầm cực lớn, ước 35 - 40 triệu trứng/tháng. Vào những lúc khó khăn như bây giờ mới thấy rau trứng quan trọng đến dường nào và nỗ lực ra quân quyết liệt kiềm chế giá trứng gia cầm của “đội hình” bình ổn giá đáng quý biết bao!

ĐĨNH CHI

Tin cùng chuyên mục