Khó chống buôn lậu, hàng giả theo kiểu “thả gà ra đuổi”

Vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… luôn là nỗi bức xúc lớn của người dân. \

 

Câu chuyện Tập đoàn Khaisilk thừa nhận “bán 50% lụa Made in China” trong hệ thống của mình, hay quản lý thị trường Hà Nội thu giữ tại Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam tới 14.000 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc (ước tính giá trị gần 11 tỷ đồng)… tuần qua càng khiến vấn đề này trở lên nóng hơn lúc nào hết. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc về vấn nạn này. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (ảnh) cũng thừa nhận không loại trừ “có bảo kê” cho buôn lậu.
Khó chống buôn lậu, hàng giả theo kiểu “thả gà ra đuổi” ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
 * PHÓNG VIÊN: Câu chuyện hàng ngoại trộn hàng Việt, hàng Việt trộn hàng ngoại của Tập đoàn Khaisilk, của Công ty TS Việt Nam cho thấy quản lý nhà nước đang có lỗ hổng lớn, thưa ông?

 Thứ trưởng ĐỖ THẮNG HẢI: Đúng là qua những vụ việc này chúng ta thấy có lỗ hổng trong quản lý nhà nước, bất kể cấp nào, dù Trung ương hay địa phương, dù hoàn cảnh khách quan hay chủ quan gì. Chính vì vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đã phải lập cả Ban chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Thường trực, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban; Bộ Tài chính làm thường trực, với sự tham gia của nhiều ngành, địa phương. Cũng phải nhìn nhận rằng, qua vụ Khaisilk, sự vào cuộc các cấp ngành, địa phương cần phải chủ động, quyết liệt hơn. Trên địa bàn chính quyền địa phương đều có đủ bộ máy, lực lượng. Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường địa phương thì do địa phương trực tiếp quản lý, điều hành; còn Bộ Công thương chỉ điều hành chuyên môn và phối hợp.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức kinh doanh. Vụ Khaisilk chẳng hạn, doanh nghiệp vi phạm rất nhiều quy định. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần bảo vệ quyền lợi của chính mình. Một số người biết đó không phải hoàn toàn là hàng Việt, nhưng vẫn mua mà không có bất kỳ ý kiến nào với cơ quan chuyên môn. Hiện nay công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, kể cả vi phạm sở hữu trí tuệ… dù đã đạt được một số kết quả nhưng cần phải làm tốt hơn và cần sự vào cuộc của các địa phương. Sự vào cuộc của các địa phương là hết sức quan trọng. 

 Quan điểm của Bộ Công thương là không né tránh trách nhiệm nhưng phải phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan trung ương, địa phương và kể cả các hiệp hội (doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng…). Tất cả đều phải có chức năng, trách nhiệm để công tác chống buôn lậu, sở hữu trí tuệ tốt hơn bây giờ.

 Buôn lậu, gian lận thương mại khiến không những nhà nước bị thất thu ngân sách, sức khỏe người dân bị đe dọa mà nền sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng. Ban chỉ đạo quốc gia mấy năm qua đều chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tại sao tình trạng gian lận thương mại chưa chuyển biến và ngày càng nghiêm trọng?

 Để đánh giá toàn diện thì phải để ban chỉ đạo quốc gia đánh giá, thường trực là Bộ Tài chính. Bởi ngoài lực lượng quản lý thị trường còn có lực lượng biên phòng, công an, hải quan, thuế vụ, thanh tra chuyên ngành... Nhưng tôi cho rằng, từ khi có Ban chỉ đạo quốc gia 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại thì công tác này đã đạt được nhiều kết quả. Còn việc tại sao gian lận thương mại vẫn tràn lan thì trước hết phải nhìn nhận thực tế bất kỳ nước nào cũng có, kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc đều diễn ra nạn xâm phạm sở hữu trí tuệ phức tạp. Đến thời điểm này thì đúng ra buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra phức tạp và có những diễn biến khó lường. Những nguyên nhân chính thì tôi cho rằng, Việt Nam chống buôn lậu thì phải chống ngay từ biên giới, cửa khẩu, vì buôn lậu là đi từ nước ngoài vào. Ví dụ sản phẩm của Khaisilk rõ ràng đi từ Trung Quốc vào, nhưng mặt hàng khăn lụa đó có đi vào đường chính thống hay nhập tiểu ngạch? Vì vậy chúng ta phải chống ngay từ biên giới, lúc đó công an, hải quan, biên phòng, chính quyền địa phương phải vào cuộc. Chứ để hàng hóa đưa hết vào thị trường rồi quản lý thị trường mới “thả gà ra đuổi” thì khó. Cho nên chúng ta phải làm tốt hơn, và phải ngăn ngay từ biên giới. 

Ngoài ra, cũng không loại trừ về đạo đức, tình trạng bảo kê của một bộ phận quản lý thị trường và các lực lượng chống buôn lậu. Hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đều quyết tâm nhưng thời gian tới cần làm tốt hơn nữa.

* Nhiều ý kiến cho rằng, cũng giống nạn phá rừng, lâm tặc chỉ phá được rừng nếu kiểm lâm làm ngơ. Buôn lậu cũng vậy, chỉ tồn tại được khi được các lực lượng chức năng “bảo kê”. Không thể có chuyện hàng lậu, hàng giả ngang nhiên qua cửa khẩu vào thị trường mà cơ quan chức năng không biết?

 Như tôi đã nói, ở đây vai trò chủ động của địa phương là rất quan trọng. Bộ Công thương hiện nay trực tiếp quản lý thì có Cục Quản lý thị trường với 62 biên chế định biên, và chỉ mới có 53 cán bộ, tức là chưa đủ 1 cán bộ cho mỗi tỉnh, hiện nay tất cả các cán bộ thị trường đều đang nằm ở địa phương. Đúng là có việc cắt khúc trong điều hành, phối hợp quản lý giữa các lực lượng đòi hỏi phải có sự chấn chỉnh.

 Xin cảm ơn Thứ trưởng! 
 Bộ trưởng Bộ Công thương TRẦN TUẤN ANH: 
“Hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp khi quản lý thị trường hoạt động tại địa phương nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn. Chế tài xử phạt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật. 
Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa, tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi. Ngoài ra, sẽ xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đảm bảo đủ chế tài xử lý. Nâng cao phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của các lực lượng chống buôn lậu. Tới đây, nếu lập Tổng cục Quản lý thị trường theo ngạch dọc để thực hiện quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại thì Bộ Công thương sẽ có cơ sở để làm mạnh hơn”.

Tin cùng chuyên mục