Khó chữa cháy… trên sông!

Tối ngày 26-11, tàu Long Phú 01 chở 950.000 lít xăng từ TPHCM đi Nha Trang, đến đoạn sông Tắc Rỗi – Cần Giờ thì va vào một sà lan nên bốc cháy dữ dội. Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng trên đã báo động nguy cơ cháy nổ trên đường sông. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ cứu nạn và PCCC trên sông hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết.

Thành phố Hồ Chí Minh có trên 1.700 km đường thủy, với hàng trăm phương tiện vận tải thủy, vận chuyển hơn 70% lượng hàng hóa ra vào TP (xăng dầu, hóa chất, gạo…). Cùng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông đường thủy thì các vụ cháy nổ, đâm va, tai nạn ngày càng diễn biến phức tạp. Thực tế đó cho thấy, công tác cứu hộ cứu nạn, PCCC trên sông trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

- PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng cứu hộ cứu nạn, PCCC trên sông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, ông chia sẻ gì về vấn đề này?

Đại tá TRẦN THANH CHÂU: Hiện nay, biên chế cho lực lượng cứu hộ cứu nạn, PCCC trên sông rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, khoảng cách bố trí các đơn vị còn xa nên khi có sự cố, phải mất rất nhiều thời gian, lực lượng này mới tới được điểm cần ứng cứu. Mặt khác, mỗi Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện đều phải có 1 đội cứu hộ cứu nạn nhưng hiện nay các quận huyện vẫn chưa có lực lượng này nên công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn cũng gặp nhiều khó khăn. Trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chiến sĩ làm công tác này còn nhiều hạn chế vì vậy để đáp ứng nhu cầu hiện tại và phấn đấu đạt mục tiêu ngang tầm với khu vực và trên thế giới thì đội ngũ này phải được huấn luyện, đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn nữa.

Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị, các loại xe chuyên dùng cứu hộ cứu nạn hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Sắp tới, chúng tôi phải trang bị thêm các dụng cụ, phương tiện như xe cẩu, thiết bị dò tìm người trong đống đổ nát, camera quan sát trong hầm sâu để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên cao, dưới sâu…

- Thực tế này cho thấy khi xảy ra những vụ việc lớn như hỏa hoạn trên sông… thì rất khó để ứng cứu hiệu quả?

Theo quy định, lực lượng cảnh sát PCCC chỉ có nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trong đám cháy nhưng thực tế chúng tôi phải cứu hộ cứu nạn nhiều vụ việc như điện giật, chết đuối, sập nhà, sập hầm… Do vậy, UBND TP cần ban hành văn bản pháp lý, quy định cụ thể và giao nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn thường nhật cho lực lượng cảnh sát PCCC. Bên cạnh đó, các quy định về chính sách, trang thiết bị, nhân sự cũng phải rõ ràng. Khi đã có quy định cụ thể, thống nhất, chúng tôi sẽ công khai với người dân để họ báo tin khi có bất kỳ sự cố xảy ra.

Hiện nay, nhiều đơn vị có lực lượng cứu hộ cứu nạn như Tân cảng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy, các công ty vận tải thủy nhưng khi có sự cố xảy ra, sự liên kết giữa các đơn vị này còn yếu, chưa có quy chế phối hợp thống nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi rất cần UBND TP có chỉ đạo cụ thể, xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng trên để huy động tối đa phương tiện, nguồn lực khi xảy ra sự cố.

Hoàng Hoa

  • Thoâng tin lieân quan:

- Vụ tàu chở 950 tấn xăng bốc cháy trên sông Lòng Tàu: Đã hàn 12 vết thủng trên tàu

- TPHCM: Tàu chở 700 tấn xăng A95 bốc cháy dữ dội trên sông Lòng Tàu

Tin cùng chuyên mục