Kho tàng vô giá cho đời

Số 20 “duyên nợ”
Kho tàng vô giá cho đời

Bộ sưu tập tác phẩm Nguyễn Gia Trí

Không phải ngẫu nhiên mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí được trân trọng xếp ở vị trí đầu trong bộ tứ “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (tức Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn) - những người có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn sức sáng tạo của danh họa bậc thầy này, lần đầu tiên một triển lãm đồ sộ các phác thảo của ông sẽ được giới thiệu rộng rãi cho công chúng vào đầu tháng 6 tới đây, nhân 20 năm ngày mất của cây đại thụ trong làng mỹ thuật Việt Nam.

Khách xem tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Ảnh: An Dung

Khách xem tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Ảnh: An Dung

Số 20 “duyên nợ”

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936, Nguyễn Gia Trí (sinh ra tại huyện Chương Mỹ, Hà Tây) là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam. Với đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài, ông được mệnh danh là “cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”.

Trở lại câu chuyện sưu tầm các tác phẩm của Nguyễn Gia Trí. Năm 1992, khi UBND TPHCM quyết định mua bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa tặng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, không thể tả hết niềm vui của cán bộ nhân viên bảo tàng và những người yêu nghệ thuật lúc ấy. Bởi đây là món quà vô giá góp phần khẳng định giá trị của bảo tàng mỹ thuật duy nhất khu vực phía Nam (bảo tàng lúc này mới thành lập được 5 năm, còn gặp khó khăn). Thế nhưng, chưa kịp vui thì có nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng thành phố chi đến 600 triệu đồng (thời điểm ấy tương đương 100.000 USD) để mua một bức tranh là quá cao, là “không cần thiết”. Một trận bút chiến tóe lửa đã xảy ra giữa một bên kịch liệt phản đối, cho rằng nên đầu tư vào việc khác hơn là lãng phí quá nhiều tiền cho một bức tranh; một quan điểm khác cương quyết phải mua lại kiệt tác này bởi đây là tác phẩm cuối đời, lúc này họa sĩ đã già và sức quá yếu. Mọi việc chỉ lắng xuống khi Ban giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật chính thức thông tin, một nhà sưu tập người Bỉ có ý mua lại bức tranh này với giá 1 triệu USD! Thông tin về tác phẩm này khiến dư luận thế giới quan tâm, nhiều quốc gia ngỏ ý muốn thuê tác phẩm để triển lãm nhưng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM không đồng ý. Ngày đón nhận tác phẩm, niềm vui lại càng nhân lên gấp bội khi cùng với kiệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc, gia đình cụ Trí còn trao tặng bảo tàng thêm 61 tư liệu và phác thảo của ông. Vậy là 20 năm sau khi tác phẩm hoàn tất, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã may mắn được lưu giữ tác phẩm được coi là tinh túy nhất của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Ngày nay, đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, không ít du khách trong nước và thế giới đã trầm trồ, xuýt xoa khi thưởng lãm tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc. Bức tranh được ông sáng tác trong suốt hơn 10 năm, cuối những năm 60 - đầu những năm 70. Đây là tác phẩm có kích thước lớn 2m x 5,4m, gồm 9 miếng ghép lại (mỗi miếng có chiều cao 2m, rộng 0,6m). Biết được gia đình vẫn còn lưu giữ nhiều tư liệu quý giá của cụ Trí nên từ nhiều năm trước, bảo tàng đã bày tỏ mong gia đình để lại cho bảo tàng để người dân và những người yêu nghệ thuật có thể chiêm ngưỡng. Lòng kiên trì đã được đền đáp khi năm 2012, bảo tàng nhận được sự đồng ý từ gia đình. Thêm 72 tư liệu và bản phác thảo vô cùng giá trị của danh họa đã được UBND TPHCM và bảo tàng trân trọng đón nhận.

Kho tàng đồ sộ

Đến nay, có thể nói bộ sưu tập gồm 134 tác phẩm, phác thảo tư liệu cùng nhiều dụng cụ của cố họa sĩ như: cọ, bút, sơn, hũ dầu, hũ màu, bát, tô (dùng để pha sơn)… cụ Trí dùng còn dang dở, được gia đình lưu giữ từ nhiều năm nay của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM là kho tàng vô giá, đồ sộ nhất của người họa sĩ tài ba này. “Bảo tàng sẽ chọn lọc 108 tư liệu phác thảo trong bộ sưu tập này để giới thiệu đến rộng rãi công chúng vào tháng 6 tới đây. Đây cũng là điều chúng tôi muốn làm để tri ân họa sĩ nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của cụ Trí”, bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho biết. Bà Mã Thanh Cao cho biết thêm, theo mong muốn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM sẽ chọn một số tác phẩm Nguyễn Gia Trí để triển lãm và giới thiệu đến đông đảo công chúng tại Hà Nội.

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc sở VH-TT-DL TPHCM cho rằng, bộ sưu tập tác phẩm, phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí là một kho tàng vô giá, quý báu để những người đi sau tìm hiểu và nghiên cứu, học tập. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện còn có 3 tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí được lưu tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM. Để các tác phẩm của danh họa bậc thầy này được bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị một cách tốt nhất, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần giao trách nhiệm quản lý cho Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục