Giờ đây, chính trường Đức lại đứng trước cuộc khủng hoảng mới khi kết quả cuộc bầu cử Nghị viện bang Hessen cho thấy uy tín của các đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) sụt giảm nghiêm trọng, tới mức Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch CDU tại đại hội của đảng này vào tháng 12 tới.
Tại bang Hessen, với việc chỉ giành được 27% phiếu bầu, CDU mất tới 11,3% số phiếu so với cuộc bầu cử năm 2013. Tương tự, SPD cũng mất tới 10,9% số phiếu. Cuộc bầu cử ở bang Hessen được ví như thước đo đối với nền chính trị ở thủ đô Berlin và thất bại của CDU lẫn SPD khiến uy tín của chính phủ đại liên minh và cá nhân Thủ tướng Merkel vốn dĩ đã thấp nay càng bị sứt mẻ. Vì điều này, bà Merkel đã quyết định rút khỏi cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch CDU, vị trí mà bà đã nắm giữ liên tục 18 năm qua. Trước mắt, bà Merkel tuyên bố chỉ rút lui hoàn toàn sau khi hoàn thành nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 liên tiếp vào năm 2021.
Vladislav Belov, chuyên gia về Đức tại Học viện Khoa học Nga, cho rằng bằng việc tuyên bố không tái tranh cử chức Chủ tịch CDU, Thủ tướng Merkel đã cứu liên minh quốc hội, cùng lúc đó giữ lại cho mình cơ hội lớn tiếp tục tham gia vào đời sống chính trị. Sẽ có nhiều đồn đoán, và nhiều người sẽ cố chỉ trích bà ấy. Mọi người vốn đã mệt mỏi với bà Merkel. Tuy nhiên, từ nay tới cuộc bầu cử liên bang còn rất dài (năm 2021), đảng CDU được cho sẽ hợp nhất vào thời điểm này và tìm kiếm giải pháp. Quá trình này diễn ra càng nhanh, mọi người sẽ càng tin tưởng vào liên minh quốc hội, cũng như tin tưởng bà Merkel trên cương vị thủ tướng. Chuyên gia này nhận định, việc bà Merkel từ chối tái tranh cử chức Chủ tịch đảng CDU nhằm đảm bảo sự phục hồi của đảng này, vốn đang chìm trong khủng hoảng. Quyết định cuối cùng về việc ai sẽ nắm giữ chức Chủ tịch CDU sẽ được đưa ra tại đại hội đảng sắp tới và không loại trừ khả năng ban lãnh đạo đảng có thể đề nghị bà Merkel tiếp tục làm chủ tịch. Chuyên gia Belov đánh giá quyết định trên của bà Merkel là đúng đắn xét từ quan điểm chính trị, bởi chứng tỏ bà đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích cá nhân.
Khó khăn
Tờ New York Times nhận định quyết định của bà Merkel có thể đánh dấu một kỷ nguyên mới không chỉ cho quốc gia hùng mạnh của châu Âu mà còn cho cả lục địa già. Chuyên gia kinh tế Stefan Koopman của Công ty Tài chính Rabobank cho rằng, Đức có thể rơi vào tình trạng bất ổn hơn và khó khăn hơn trong việc dẫn dắt châu Âu vào thời điểm cần thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong hàng loạt vấn đề lớn của khu vực từ tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đến các kế hoạch ngân sách gây tranh cãi của Italy.
Còn với châu Âu, dấu ấn của bà Merkel thực sự in đậm, nhất là trong chính sách về kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, bà Merkel đã lèo lái, dần đưa lục địa già thoát khỏi khó khăn với chính sách thắt lưng buộc bụng do Đức khởi xướng. Về chính sách ngoại giao, bà Merkel và nước Đức đã dựng một bức tường thành chống lại sự thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc từ Hungary hay Ba Lan. Có thể nói, trong bối cảnh lục địa già trở thành “miệng núi lửa” sôi sục với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, cuộc khủng hoảng di cư, sự chia rẽ với một bên ủng hộ các giá trị của châu lục và một bên là chủ nghĩa dân tộc, sự vắng bóng của một nhà lãnh đạo quyết đoán như Thủ tướng Merkel sẽ khiến châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức..