Khốn đốn điêu khắc Việt!

Khó sống được với nghề
Khốn đốn điêu khắc Việt!

Trong những năm qua, khi đời sống nâng cao, yếu tố mỹ thuật ngày càng được quan tâm hơn trong đời sống người dân. Tuy nhiên, nếu như thị trường hội họa may mắn còn sôi động, thì ngược lại nghệ thuật điêu khắc phải đối diện với cảnh im lìm, lặng lẽ. Tác phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, sau những cuộc triển lãm, phần đông các tác giả phải ngậm ngùi ôm tác phẩm cất vào kho. Không gian nào cho điêu khắc, thị trường nào cho điêu khắc Việt, vẫn câu hỏi… chưa có lời đáp!

Tượng đài “Truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM”. Ảnh: An Dung

Tượng đài “Truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM”. Ảnh: An Dung

Khó sống được với nghề

“Phần đông các nghệ sĩ điêu khắc trẻ sau khi tốt nghiệp không sống được với nghề đã học, họ phải sống nhờ vào các bậc đàn anh là chính. Thông thường, những họa sĩ này nhận công trình từ các dự án và thuê các bạn trẻ làm công lại cho mình. Mà cũng không nhiều, số được chọn là may mắn rồi đấy”, một họa sĩ lão thành cho biết. Các nghệ sĩ suốt quá trình đào tạo, thực hành ở trường mỹ thuật đến khi ra trường, không phải ai cũng có điều kiện để mở được xưởng sáng tác cho riêng mình.

Một thực tế đáng buồn là tác phẩm điêu khắc thường chỉ trưng bày được vài ngày ở các trại sáng tác, sau đó phải chịu cảnh nằm trong kho, vứt bừa ở một khoảng trống nào đó hoặc nằm lăn lóc ở gầm cầu thang. Khó sống được với nghề, nên số đông còn lại thường phải chọn cách “lấy ngắn nuôi dài” kiểu như: cộng tác với các nhóm thiết kế kiến trúc, trang trí nội ngoại thất, thiết kế mẫu sản phẩm mỹ nghệ, cũng có khi là thiết kế bối cảnh cho các phim truyền hình. Gần đây, một số nhà điêu khắc có tên tuổi đã chọn hình thức liên kết nhóm để mở xưởng sáng tác như nhóm của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, nhóm Lê Lang Biên…

Ở nước ta hiện nay, điêu khắc chủ yếu mới chỉ hiện diện ở các tượng đài hoành tráng, một số ít tác phẩm trưng bày ở nơi công cộng như vườn hoa, bảo tàng. “Thông thường ở các nước, kiến trúc luôn gắn liền với điêu khắc. Khi thiết kế một công trình công cộng, trung tâm thương mại hay một tòa nhà, một cơ quan người ta thường có không gian dành riêng cho nghệ thuật điêu khắc. Trong khi ở nước ta, phần lớn các công trình chỉ chú trọng ở kiến trúc mà coi nhẹ điêu khắc.

Đến các thành phố lớn ở các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc người ta nhận ra ngay những công trình vừa là điêu khắc nghệ thuật hoành tráng, vừa là biểu trưng của thành phố”, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM nhìn nhận. Ông Uyên Huy kể thêm, hơn 10 năm trước, khi đầu tư xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở quận 7, đơn vị thiết kế có nhờ Hội Mỹ thuật TPHCM tư vấn thiết kế một công trình điêu khắc hoành tráng để làm biểu tượng cho công trình này. Thấy công trình hiện đại, nghệ thuật được trân trọng, ông khấp khởi mừng thầm tuy nhiên, sau khi bàn bạc xong, đơn vị này ra đi không trở lại.

Thay đổi nhận thức mỹ thuật

Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân đã cải thiện, người ta có thể bỏ nhiều tiền để xây dựng nhà cửa và bắt đầu quan tâm đến yếu tố đẹp thể hiện qua việc trang trí cho những ngôi nhà ấy. Tuy nhiên, không phải nơi đâu “cái đẹp” cũng phản ánh được nét thẩm mỹ, nét văn hóa thực sự. Nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN kể, bà khá bất ngờ khi bước chân vào một số cơ quan lớn của TP, bởi những món đồ trang trí (tranh, tượng...) thiếu hẳn tính thẩm mỹ, thiếu đặc trưng văn hóa trong khi giá lại đắt. “Ở đây, rõ ràng chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành các cấp, thiếu quy hoạch tổng thể đô thị. Ở các nước, hai ngành kiến trúc và mỹ thuật luôn mật thiết và song hành. Các công trình xây dựng tại Pháp, Hàn Quốc, người ta thường dành ít nhất 1% kinh phí cho công trình mỹ thuật, thường là điêu khắc”, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên bày tỏ.

Họa sĩ Uyên Huy cho rằng để những người làm nghề có thể sống được và điêu khắc có không gian sống, các cơ quan chức năng cần thay đổi nhận thức mỹ thuật để phù hợp với xu thế thế giới hiện đại, các nghệ sĩ điêu khắc cũng nên tự làm mới mình để phù hợp với xã hội và có thể đi vào cuộc sống của người dân Việt. Ông đặt câu hỏi, vì sao lâu nay ta chưa có những tác phẩm điêu khắc nhỏ, gọn, phù hợp với không gian sinh hoạt thường ngày trong mỗi ngôi nhà, phục vụ đời sống tinh thần cho người Việt.

Từ ngày 6 đến 21-10 mới đây tại Hà Nội, nhóm 9 nghệ sĩ điêu khắc trẻ vừa tiên phong thử nghiệm một triển lãm điêu khắc khá thú vị mang tên New Form (Hình thể mới), thu hút đông đảo công chúng. 39 tác phẩm điêu khắc vừa và nhỏ (kích thước dưới 50cm), chủ đề gần gũi cuộc sống, có thể đặt để, bày biện thích hợp trong bất cứ không gian kiến trúc dân dụng hay công sở nào. Làm sao để nghệ sĩ tự do sáng tác những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, cá tính, sáng tạo mà vẫn tìm được thị trường trong đời sống hàng ngày là câu hỏi mà các tác giả và những người tổ chức triển lãm New Form đang tìm cách giải.

Minh An

Tin cùng chuyên mục