Không chỉ trông đợi… “ông trời”

Theo cảnh báo của Viện Khoa học khí tượng - thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), hiện tượng El Nino có thể còn kéo dài đến tận tháng 6-2024.

Sắp tới, nhiều nơi còn nắng nóng hơn, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, thời tiết bất thường trên phạm vi cả nước, các dòng sông thiếu hụt lượng mưa (cao điểm là tháng 3 đến 5). Điều này đồng nghĩa các hồ thủy điện năm nay có thể tái diễn tình trạng thiếu nước như đầu mùa hè năm 2023.

Thực tế, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã báo cáo, hầu hết các hồ thủy điện ở miền Bắc đã giảm lưu lượng nước về từ đầu tháng 2-2024 đến nay, có nơi giảm tới 48%, ngoại trừ hồ Thác Bà, hồ Tuyên Quang. Do thủy văn kém nên nhiều nhà máy thủy điện đang phải dè dặt phát điện để tranh thủ tích nước cho tháng cao điểm sắp tới. Đồng thời, một số nhà máy nhiệt điện (như Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2) đang phải tăng công suất sớm để “gánh bù” cho thủy điện.

Với dự báo nền nhiệt độ sắp tới còn tăng cao hơn, mưa ít và nắng nóng năm nay đến sớm trên cả nước, không chỉ nhu cầu dùng điện tăng vọt trong mùa hè tới mà tình hình thủy văn cũng sẽ rất khó lường, khắc nghiệt. Dự báo phụ tải tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng, nhưng nguồn không đáp ứng được. Điều này cho thấy, để có đủ điện, không thể chỉ trông cậy vào thủy điện, tức không thể chỉ trông đợi ở “ông trời”.

Để kịp thời dẫn nguồn điện dôi dư ở miền Trung ra miền Bắc, từ đầu năm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo khẩn trương thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên). Mệnh lệnh của Thủ tướng là dự án phải hoàn thành trước ngày 30-6-2024. Trong trường hợp dự án kịp hoàn thành đúng tiến độ vào cuối tháng 6 thì vẫn có ba tháng (4, 5, 6), phụ tải điện ở miền Bắc tăng cao do nắng nóng năm nay đến sớm, nhưng chưa có nguồn bổ sung.

Như vậy, nguy cơ thiếu điện vẫn có thể lặp lại trong mùa hè tới nếu ngay từ bây giờ không kịp thời có các giải pháp điều hành chủ động. Trong cuộc họp với các bên liên quan, Thủ tướng cũng chỉ đạo trước thời điểm dự án đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành, phải có kịch bản cung ứng điện ứng phó với các tình huống bất thường. Mệnh lệnh của Thủ tướng là năm 2024, trong mọi tình huống phải đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhưng làm thế nào để có đủ điện? Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra, ngoài nỗ lực đưa nhanh các dự án sản xuất, đường dây truyền tải vào khai thác thì ngay trước mắt cũng như lâu dài, chúng ta vẫn phải tính đến các phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu điện (trong đó nhập khẩu từ Lào là ưu thế).

Lâu dài hơn nữa, chúng ta cần phải phát triển thêm nguồn điện mới, trong đó có điện khí (để thay thế điện than) như Quy hoạch Điện VIII đã nêu ra. Để năng lượng tái tạo phát triển cân bằng ở cả ba miền, khắc phục ngay tình trạng lệch cân về miền Trung và miền Nam như hiện nay, Chính phủ cần xem xét lại cách làm giá FIT (ưu đãi) chỉ dựa theo mức độ bức xạ, dẫn đến nhà đầu tư chỉ đổ xô vào miền Trung và miền Nam. Bây giờ, để rải đều năng lượng tái tạo ra miền Bắc, cần có cơ chế hỗ trợ theo vùng.

Tin cùng chuyên mục