Tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Soạn thảo dự luật Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung làm rõ mô hình, cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đoàn ĐBQH.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách theo hướng ưu tiên người có kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động đại biểu; nâng tuổi ĐBQH hoạt động chuyên trách; có chính sách để thu hút các ĐBQH lớn tuổi có năng lực, sức khỏe, trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết, có khả năng tranh luận và phản biện, chú trọng lựa chọn đại biểu từ cán bộ hưu trí đã kinh qua công tác, có kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị vào hoạt động của Quốc hội…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu sẽ khó bảo đảm, nếu đại biểu vẫn phải “gánh” 4-5 cơ cấu như hiện nay. Các đề xuất giảm số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp và tư pháp, tăng hợp lý đại biểu là đại diện của cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội; tăng tỷ lệ đại biểu tái cử... là những vấn đề cần được thảo luận, cân nhắc kỹ.
Góp ý về dự thảo luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân lưu ý trong quá trình sửa đổi dự luật, “không thể coi Quốc hội như một cơ quan hành chính nhà nước để đặt ra vấn đề tinh giản, tinh gọn”. Đại biểu lập luận, Quốc hội là tập hợp của 500 đại biểu đã được Hiến pháp quy định rõ; là thiết chế quyền lực đại diện của nhân dân, là gốc rễ của hệ thống quyền lực nhà nước. “Cần nhìn nhận cho đúng nguyên lý về cơ cấu tổ chức để quy định cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội”.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị nâng Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH hiện nay thành cơ quan thuộc Quốc hội để khẳng định địa vị pháp lý của các cơ quan này trong Luật Tổ chức Quốc hội.