Không hành động, Việt Nam sẽ ngày càng kém hấp dẫn

Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn

Hôm nay 3-6, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 diễn ra tại Hà Nội. Trước thềm diễn đàn, chiều 2-6, 2 đồng chủ tịch VBF là Alain Cany và Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã tổ chức họp báo xung quanh sự kiện này. Theo hai ông, dù khó khăn nhưng cơ hội với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn lớn.

Cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn

Kết quả điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đang dần được cải thiện với chỉ số tăng từ 45 lên 48 điểm – song vẫn thấp hơn mức trung bình 50 điểm và các thành viên EuroCham tham gia vào cuộc khảo sát đều thể hiện sự tiếp tục lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng tương lai cũng như ảnh hưởng chính sách thuế, tăng mức phạt và thanh tra. Các vấn đề được đề cập xuyên suốt trong bản kiến nghị của EuroCham là chính sách giá, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo EuroCham, cách thức kiểm soát giá hiện nay đã khiến các nhà đầu tư lo ngại khi họ kỳ vọng được tự thiết lập giá trong các khuôn khổ thông thường được xác lập bởi chi phí và cạnh tranh. Về thuế, theo EuroCham, tổ chức này ủng hộ lộ trình giảm thuế song lại quan ngại về mức khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại và kiến nghị Chính phủ cần công bố một lộ trình tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khống chế này.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Australia (AusCham) cho rằng, nhìn vào tổng thể, dường như Việt Nam có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, đi vào cụ thể, theo các thành viên của AusCham là “ngày càng khó khăn trong tiến hành kinh doanh tại Việt Nam” và khuyến cáo với tình trạng hiện nay của nền kinh tế, Việt Nam cần cố gắng hết mình để thu hút đầu tư và nguồn lực từ nước ngoài. Các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia và hiện nay là Myanmar đã nổi lên như những điểm đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, ngày càng có sự cạnh tranh nhiều trong khu vực. Nếu Việt Nam không tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn thì nguồn FDI có thể tiếp tục giảm.

Theo ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), Chính phủ Việt Nam cần xóa bỏ những bất cập hiện nay về cơ sở hạ tầng; tăng cường quy trình xây dựng, ban hành, thực thi luật pháp và hệ thống tư pháp để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa vào Việt Nam. “Nếu Chính phủ coi đây là những vấn đề phổ biến của các nước đang phát triển thì chúng tôi sợ rằng Việt Nam sẽ dễ đánh mất sức hấp dẫn và dòng vốn đầu tư sẽ đổ về những nước châu Á cạnh tranh khác ngày một nhiều. Vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chứng tỏ những bước đi cụ thể, thực tế cho những nhà đầu tư hiện nay” - người đứng đầu JBAV cho biết.

Minh bạch hoạt động ngân hàng

Những vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là việc thực hiện Thông tư 02 và vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thông tư 02 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu năm 2013 quy định về phân loại tài sản, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì thực hiện từ 1-6-2013, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02, trong đó đã quy định lùi thời hạn thực hiện Thông tư 02 đến 1-6-2014.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Alain Cany, các doanh nghiệp nước ngoài hoan nghênh việc thực hiện Thông tư 02 bởi đó là thông điệp tốt để các ngân hàng báo cáo chính xác cũng như mô tả rõ hơn bức tranh thực tế trích lập dự phòng và nợ khó đòi. Trước việc tạm dừng thực hiện Thông tư 02, ông Alain Cany cho biết, quan điểm của VBF là “khuyến khích các ngân hàng không chờ đợi và tiến hành tuân thủ một cách tự nguyện Thông tư 02 vì đó là cách tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động”. Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, trước tình hình nợ xấu hiện nay, quan điểm của VBF là khuyến khích các ngân hàng tự nguyện thực hiện Thông tư 02 vì điều này chỉ có lợi cho ngân hàng. Bởi hiện nay, do chưa thực hiện Thông tư 02 nên lòng tin của ngân hàng với doanh nghiệp và người dân tương đối thấp vì chưa công khai, minh bạch. Nhiều ngân hàng có khả năng thực hiện Thông tư 02 và nếu ngân hàng càng công khai sớm thì càng có lợi cho họ. Điều đó sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

Một vấn đề khác cũng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là mong muốn Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo EuroCham, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm về những ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai... song khối này thường hoạt động không hiệu quả. Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sớm nhất có thể nhằm tạo môi trường cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường hơn. Ông Alain Cany cũng cho rằng, hiện nay nhu cầu vốn cho nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn để đầu tư hạ tầng, năng lượng... Do vậy, việc cổ phần hóa và thoái vốn ở những lĩnh vực không cần nắm giữ sẽ giúp có nguồn vốn thực hiện kế hoạch này.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng, theo ông Alain Cany, nhóm công tác vốn của VBF vẫn sẽ đề nghị Chính phủ gia tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng Việt Nam. Với tỷ lệ 15% - 20%, một đối tác chiến lược khó có thể mang đến sự thay đổi hay một cam kết cụ thể vào chiến lược của ngân hàng đó và Chính phủ nên có lộ trình cụ thể trong việc gia tăng tỷ lệ nắm giữ này.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục