Không phó thác việc biên soạn sách giáo khoa cho nhà xuất bản và tác giả

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã sửa đổi Thông tư 33 quy định về biên soạn, thẩm định và xuất bản sách giáo khoa (SGK), hiện đang lấy ý kiến. Chủ trương biên soạn SGK là Bộ GD-ĐT giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu, không đợi nhóm tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến bộ thẩm định, không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản, nhóm tác giả.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 11-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khá “nóng” với những chất vấn, tranh luận về vấn đề biên soạn SGK.

ĐB Nguyễn Thị Huế (tỉnh Bắc Kạn) nhắc lại về tình trạng SGK tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa qua có một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục.

Bộ trưởng cho biết, sau khi nhận phản ánh từ dư luận về vấn đề SGK, Hội đồng chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện đảm bảo sách giáo khoa trong thời gian tới có chất lượng cao hơn.

Tiếp tục chất vấn vấn đề này, ĐB Trần Công Phàn (tỉnh Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề SGK. Nhiều cử tri cho rằng SGK vẫn còn nhiều lỗi, sạn.

Trong phần tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng về một số bài học về thiếu tính khoa học, giáo dục trong SGK chưa thuyết phục. Học sinh đã mua và học SGK có sạn chứ không phải đã SGK được chỉnh sửa trước khi xuất bản.

Do đó, dư luận trông chờ vào giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của bộ, cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Đồng thời, tập thể tác giả, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt SGK, trách nhiệm trước hết là của hội đồng thẩm định do bộ thành lập, đến cơ quan tham mưu của bộ, lãnh đạo bộ... cũng phải làm rõ.

“Việc phê duyệt SGK là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý Nhà nước là xuyên suốt. Vì vậy, lãnh đạo bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả nói trên trả lời công luận. Nếu có sai sót, lãnh đạo bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy "truy" Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, điều ông có thể nói lúc này, cũng quan trọng nhất, là làm những gì để tăng cường chất lượng SGK trong thời gian sắp tới. Để có được bộ SGK chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó người biên soạn rất quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến của các đối tượng liên quan khác nhau.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã sửa đổi Thông tư 33 quy định về biên soạn, thẩm định và xuất bản SGK, hiện đang lấy ý kiến. Chủ trương biên soạn SGK là Bộ GD-ĐT giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu, không đợi nhóm tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến bộ thẩm định, không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản, nhóm tác giả.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của thầy cô, nhà khoa học tham gia soạn sách. Các tổ chức, cá nhân làm SGK cần phải đăng ký trước. Tiêu chuẩn thành viên trong hội đồng cũng được điều chỉnh. Người tham gia biên soạn sẽ không tham gia hội đồng. Toàn bộ hội đồng thẩm định có thể sẽ được ghi tên vào SGK, cùng chịu trách nhiệm để tăng thêm áp lực…

“Những ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ GD-ĐT xin ghi nhận và sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) chất vấn: theo Bộ trưởng, có cần quy trình bất di bất dịch trong việc quyết định sử dụng những bộ SGK trong tương lai: không rút ngắn, thay đổi vì bất cứ nguyên nhân gì. "Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai SGK mới trong thời gian vừa qua hay chưa?", ĐB Nguyễn Lân Hiếu chất vấn. Đặc biệt, vấn đề thực nghiệm SGK rất quan trọng nhưng dường như chưa được coi trọng.

Bộ trưởng Kim Sơn cho biết SGK đang biên soạn và sử dụng để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 so với SGK chương trình cũ có sự khác nhau về tính chất, cách thức sử dụng. Chương trình 2018 có tính chất pháp điển, là chỗ dựa, yêu cầu để kiểm tra đánh giá, còn SGK được xem là học liệu, là căn cứ để xã hội hóa, triển khai có nhiều bộ khác nhau.

“Tuy nhiên, quan điểm của bộ là bất cứ tài liệu nào dù là học liệu mà được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt chuẩn mực, tính khoa học, sư phạm. Chủ trương của bộ là cố gắng có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất", Bộ trưởng nói.

Nói thêm về vấn đề thực nghiệm nội dung SGK, theo Bộ trưởng, do đây là tài liệu nên quá trình triển khai thiên về việc giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện được chương trình. Còn tính khoa học, chính xác đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia.

Thông tư 33 hiện hành không nêu tỷ lệ thực nghiệm bao nhiêu %, mà chỉ quy định hồ sơ trình nộp có mô tả về thực nghiệm. Khi sửa Thông tư 33 nhằm tăng cường chất lượng SGK, bộ nêu mức tối thiểu thực nghiệm là 10%, 15%, 20% cho SGK có đặc điểm khác nhau. Bộ trưởng ghi nhận ý kiến quan trọng của ĐB Lân Hiếu, bộ sẽ xem xét hoàn thiện trước khi ký ban hành thông tư.

Tin cùng chuyên mục