Trước thông tin Tập đoàn Bitexco trình Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long lên UBND tỉnh Quảng Ninh trong vòng 50 năm. Mục tiêu đặt ra của đề án nhằm phát triển Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho vịnh Hạ Long; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp... Báo SGGP đã trao đổi với ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn Bộ VH-TT-DL xung quanh đề án này.
- PV: Việc doanh nghiệp đề nghị tỉnh nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm, Bộ VH-TT-DL đã có thông tin gì về đề xuất này?
>> Ông PHAN ĐÌNH TÂN: Chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản hay ý kiến từ địa phương về việc này. Tuy nhiên, với vị trí của vịnh Hạ Long là một di sản đã được UNESCO hai lần công nhận, đồng thời là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới thì bất cứ một quyết định nào cũng đều phải có sự cân nhắc, bàn bạc rất kỹ lưỡng. Song việc giao di sản cho một tổ chức, một nhóm cá nhân, hoặc doanh nghiệp là điều không nên.
Chúng ta đều hiểu doanh nghiệp thì mục đích đầu tiên là phải giải được bài toán kinh tế, là lợi nhuận, trong khi đó quản lý và phát triển di sản lại không chỉ dựa trên thước đo là tiền. Việc hưởng thụ di sản quyền lợi trước mắt là của người dân bản địa và sau đó là dành cho du khách, vì thế việc giao tài sản của chung cho một cá nhân, doanh nghiệp phải rất thận trọng. Lợi ích xã hội không thể giao cho một tập đoàn, một nhóm cá nhân.
- Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã nhiều lần lên tiếng về việc “có nhà mà không được quyết định” trong đó có nói rõ quyền hạn của họ bị hạn chế, đụng vào bất cứ vấn đề gì ở vịnh Hạ Long cũng đều phải xin ý kiến, phối hợp với các đơn vị liên quan. Phải chăng sự yếu kém của Ban Quản lý vịnh Hạ Long là do họ có ít quyền hơn đối với di sản này?
Về khía cạnh văn hóa, đây là di sản thế giới, là di tích được xếp hạng, vì thế theo luật, mọi hành vi, quy định có tác động tới nơi này đều phải xin thỏa thuận ở các cơ quan liên quan. Không thể trao toàn quyền cho ban quản lý.
- Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của vịnh Hạ Long còn nhiều bất cập. Vì thế, liệu có nên mạnh dạn thử nghiệm mô hình xã hội hóa tại đây?
Đúng là việc quản lý ở vịnh Hạ Long còn nhiều bất cập. Đơn vị quản lý thiếu chuyên nghiệp, lúng túng và bị động trong khi giá trị của di sản vô cùng lớn. Nhưng nếu vì yếu kém mà thoái thác trách nhiệm của nhà quản lý, khoán trắng cho doanh nghiệp là không được. Thêm nữa, di sản vịnh Hạ Long không chỉ có giá trị về du lịch mà còn có giá trị về văn hóa, do đó mỗi tác động đến nơi đây cần phải thực hiện nghiêm cẩn và bài bản. Việc thử nghiệm nếu có chỉ nên bắt đầu ở một vài khâu chứ không thể khoán trắng toàn bộ.
- Theo ông, có nên đấu thầu việc quản lý và khai thác du lịch tại vịnh Hạ Long?
Tôi tin rằng có nhiều công ty, tập đoàn quản lý tốt hơn các đơn vị nhà nước thiếu trách nhiệm. Nhưng vịnh Hạ Long là di sản, là biểu tượng của ngành du lịch Việt Nam nên việc đấu thầu cần cân nhắc, không nên coi đó là một món hàng. Di sản không phải có nhiều tiền là có thể quản lý tốt. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, xã hội hóa được coi là cứu cánh nhưng không phải là cách để cơ quan quản lý nhà nước rũ bỏ trách nhiệm. Thêm nữa, di sản thuộc quyền quản lý nhà nước, chúng ta còn có cách bảo vệ, các cấp ngành có thể can thiệp chứ nếu giao cho tư nhân thì liệu có mất quyền kiểm soát?
| |
MAI AN (thực hiện)