Không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn

Dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo...

Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần có giải pháp hạn chế quy hoạch “treo”; cần cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn ảnh 1 Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, chiều 23-5-2020. Ảnh: QUOCHOI
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, về quy hoạch chậm triển khai thực hiện, pháp luật về quy hoạch xây dựng đã có quy định về rà soát quy hoạch để kịp thời xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển.

Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định về việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có thời hạn trong vùng quy hoạch. Trên thực tế có nhiều quy hoạch triển khai quá chậm trễ, kéo dài so với quy định đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai.

Về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng, một số ý kiến ĐBQH cho rằng thủ tục thẩm định còn phức tạp, kéo dài, đề nghị liên thông, đồng bộ hóa các luật có liên quan về cùng một nội dung thẩm định, cấp giấy phép; quy định rõ nội dung, trách nhiệm các chủ thể trong hoạt động thẩm định.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, lần này quy định về thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đã được tích hợp với việc cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn giấy phép xây dựng.

Để cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, dự thảo Luật cũng đã quy định chủ đầu tư có thể trình các cơ quan có thẩm quyền hồ sơ dự án, thiết kế xây dựng, thực hiện song song, đồng thời các thủ tục trong quá trình thẩm định. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung một điều mới quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức thẩm tra thiết kế xây dựng.

Có ý kiến đề nghị để đơn giản thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, phải có quy định về cơ chế liên thông một cửa, thẩm định đồng thời đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai... thông qua việc gộp quy trình thẩm định các nội dung này vào thẩm định thiết kế cơ sở mà không phải trình qua nhiều cơ quan.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, việc thực hiện các thủ tục hành chính theo phương thức “một cửa liên thông” mang lại rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với hệ thống pháp luật hiện hành, các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, phương án phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các pháp luật chuyên ngành trong đó đều quy định về thời gian, trình tự, thủ tục tương đối độc lập, chưa thực sự đồng bộ để có thể thực hiện quy định liên thông.

Hơn nữa, các loại dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng buộc có yêu cầu đánh giá tác động môi trường, thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng và thẩm duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy cũng không đồng nhất do yêu cầu quản lý nhà nước theo các chuyên ngành là khác nhau. Do vậy, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc thực hiện song song, đồng thời để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Về giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, có ý kiến ĐBQH đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn. Đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước.

Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Tin cùng chuyên mục