Khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng

Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu và một số tổ chức nhân đạo quốc tế cảnh báo, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở trầm trọng hơn. Trong đó, tại khu vực Trung Mỹ, số người rơi vào tình trạng thiếu lương thực đã tăng lên 11,8 triệu người trong năm 2020.
Khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng

Hàng triệu người thiếu lương thực

Trong báo cáo Khủng hoảng lương thực toàn cầu 2021, các tổ chức đa phương chỉ rõ, biến đổi khí hậu, những cơn bão mạnh và tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực.

Tại Guatemala, tính từ tháng 11-2020 đến nay, hơn 3,7 triệu người đã rơi vào tình trạng đói nghiêm trọng, trong đó 428.000 người cần phải cứu trợ khẩn cấp. Sự tàn phá của các cơn bão Eta và Iota vào tháng 11 năm ngoái đã làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo tại quốc gia này.

Trong khi đó, tính đến cuối năm ngoái, Honduras có gần 3 triệu người thiếu lương thực, trong đó có hơn 600.000 người trong tình trạng khẩn cấp về thiếu ăn.

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc (LHQ), các hộ gia đình nông thôn ở các quốc gia thuộc Vành đai khô hạn ở Trung Mỹ gồm El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua chịu tác động nặng nề nhất, khi các trận hạn hán năm 2019 và mùa bão năm 2020 ảnh hưởng đến thu nhập và mùa màng.

Tổ chức Nông - Lương LHQ (FAO) cho biết, hơn 31 triệu người ở khu vực Tây và Trung Phi có thể bị đói trong thời điểm chuyển giao mùa, từ tháng 6 đến tháng 8-2021. Dữ liệu phân tích về an ninh thực phẩm xuất bản dưới sự bảo trợ của Ủy ban liên bang thường trực chống hạn hán ở Sahel ước đoán, con số này “cao hơn năm ngoái hơn 30% và ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua”.

Tại Bắc Phi, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng kêu gọi hỗ trợ 107 triệu USD để ứng phó khẩn cấp với vấn đề an ninh lương thực tại vùng Tigray của Ethiopia. Khoản kinh phí này dùng để mua và cung cấp thực phẩm cho 1 triệu người, hỗ trợ dinh dưỡng chuyên biệt cho 875.000 trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc cho con bú trong khu vực Tigray.

Theo người đứng đầu WFP tại Ethiopia Steven Omamo, khoảng 3 triệu người tại Tigray đang cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp.

Ổn định giá cả

 Theo Bloomberg, lúa gạo hiện có vai trò kiềm chế xu hướng tăng giá cũng như ngăn chặn khủng hoảng lương thực ngày một lan rộng thêm. Các nghiên cứu cho thấy, lúa gạo vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính hàng ngày cho hơn 3 tỷ người trên toàn cầu. Mặc dù hiện tại, giá lúa gạo có cao hơn so với một năm trước đó nhưng cũng đã giảm trong những tháng gần đây ở một số quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, do nguồn cung được cải thiện từ các vụ thu hoạch mới.
Một lý do giải thích cho xu hướng phân hóa là lúa gạo được trồng chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người, trong khi giá các loại cây trồng khác tăng cao do nhu cầu thức ăn chăn nuôi bùng nổ. Cụ thể, giá lúa mì đã tăng hơn 40% kể từ tháng 8 năm ngoái so với khoảng 120% đối với ngô và hơn 70% đối với đậu nành. Trong khi giá gạo kỳ hạn tại Chicago tăng 22% và gạo trắng Thái Lan giao dịch tại châu Á chỉ tăng 4%.
Theo các chuyên gia lương thực, giá gạo thế giới ổn định có thể ngăn chặn lạm phát lương thực đang trở thành một vấn đề phổ biến hơn, khi giá lương thực toàn cầu đã ở mức cao nhất kể từ năm 2014. David Dawe, chuyên gia kinh tế cấp cao tại FAO, cho biết: “Giá gạo ổn định là một tin tốt cho an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực có nhiều người nghèo hơn ở châu Á, nơi gạo vẫn là loại lương thực chính yếu”.
Dự báo trong ngắn hạn, gạo sẽ tăng giá vừa phải, điều này dựa theo hình thái thời tiết mưa nhiều tại châu Á, nơi hơn 90% lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ.

Nông dân Indonesia thu hoạch lúa mì. Ảnh: Getty Images

Tin cùng chuyên mục