Chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng:

“Kịch bản” phục hồi, thúc đẩy phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 ​

Nhiệm kỳ 2015-2020 chứng kiến tình hình KT-XH thế giới, khu vực và trong nước với nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Cùng với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và người dân TP Đà Nẵng đã tập trung phát triển thành phố theo 3 hướng đột phá chiến lược KT-XH của TP Đà Nẵng, quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh...
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng (thứ 3 từ trái sang) và đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (bìa trái) kiểm tra dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng (thứ 3 từ trái sang) và đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (bìa trái) kiểm tra dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý

Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh/thành phố (PCI), 11 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) và là địa phương liên tục được xếp trong nhóm đứng đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính.

Đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (đứng thứ 3 từ phải sang) chứng kiến Lễ ký kết biên bản thỏa thuận khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng
Có thể khẳng định, KT-XH TP Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019 duy trì ổn định và phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đồng thời, trong năm 2020, Đà Nẵng cũng đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Trong bài viết này chúng tôi trình bày một số nét nổi bật trong bức tranh thực trạng và một số định hướng, giải pháp nội bật trong phát triển KT-XH TP Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025.

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiều kỳ vọng cho thành phố và yêu cầu phát triển rất cao cho chặng đường tới. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, là một trong những trung tâm VH-TT, GD-ĐT, y tế chất lượng cao, KH-CN phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Cảng Tiên Sa nhìn từ trên cao
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng phải đối diện với nhiều thách thức: năng lực cạnh tranh còn thấp, chất lượng tăng trưởng và nguồn lực đầu tư còn hạn chế, quy mô kinh tế còn nhỏ, không gian phát triển đô thị về chiều rộng có giới hạn, quỹ đất không còn nhiều; thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến KT-XH Đà Nẵng và khả năng còn kéo dài trong những năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025…

Điều này, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hơn, chủ động trong việc xây dựng và triển khai các kịch bản, giải pháp khôi phục, tăng trưởng kinh tế; đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, “vững vàng đưa thành phố phát triển đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn”; tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch cụ thể hóa các chương trình của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mục tiêu tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh 2010) giai đoạn 2020-2025 đạt khoảng 9-10% thể hiện nỗ lực, kỳ vọng và đầy thách thức đối với Đà Nẵng với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi kinh tế phải có những chuyển biến, động lực mang tính đột phá, tốc độ tăng trưởng các khu vực kinh tế phải tăng nhanh, giá trị các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng (giá so sánh 2010) phải tăng lần lượt là 1,51 lần và 1,45 lần tại năm 2025 so với năm 2020.

Nhà máy bia Heineken Viet Nam - Đà Nẵng, doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách Đà Nẵng trong nhiều năm liên tiếp với hơn 2.500 tỷ đồng/năm

Do vậy, ngay trong năm 2021, tăng trưởng GRPD của Đà Nẵng phải ngay lập tức đạt mức trên 8,5% để cơ bản đưa kinh tế trở lại ngang với mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, sau đó tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 9% và kỳ vọng trên 10% vào năm 2025. Chú trọng cân đối tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của hai khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng trong nền kinh tế.

Tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân trên 15%/năm. Trong đó, khách quốc tế gần 26%/năm; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 21,8%/năm (khách quốc tế tăng gần 50%/năm); doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng bình quân trên 16%/năm.

Đến năm 2020, có 40 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 480 chuyến/tuần, tăng 20 đường bay so với năm 2015 và 8 đường bay nội địa với tần suất 647 chuyến/tuần.

Trong bối cảnh hiện tại, khu vực dịch vụ còn khó dự đoán do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn phải phục hồi và tăng trưởng nhưng khó có đột phá, trong khi khu vực công nghiệp phải nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng ở mức cao.
Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện căn bản việc chuyển đổi các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao, với 3 trụ cột và 5 lĩnh vực mũi nhọn, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, kinh tế có đủ cở sở để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, trong đó có một số điểm nhấn quan trọng sau:

Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ thông tin và kỹ thuật số được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP của Đà Nẵng.

Theo đó, Đà Nẵng đã được đề xuất trong quy hoạch đến năm 2030, Cụm Công nghệ cao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng với các phân khu chức năng, phục vu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3. Ngoài ra, hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm (diện tích khoảng 1.710 ha). Tiếp tục hình thành mới các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc (khoảng 83ha).

Đồng thời, hiện tại Thành ủy Đà Nẵng đang triển khai xây dựng, ban hành Nghị quyết phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2030. Đây chính là cơ sở vững chắc về hạ tầng kỹ thuật để Đà Nẵng phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ thông tin ngay trong nhiệm kỳ này.

Sản xuất công nghiệp đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế TP Đà Nẵng trong giai đoạn 2015-2020

Ngay trong những năm 2021-2022, Đà Nẵng sẽ hình thành và đưa vào hoạt động hàng loạt các dự án mới như: Tổ hợp Không gian Sáng tạo CMC (Dự kiến tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động vào giai đoạn 1 và 10.000 lao động ở giai đoạn 2); Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) Đà Nẵng dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10-2020.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh việc phát triển các công viên phần mềm, các khu công nghệ thông tin của VNPT, FPT, Viettel… tạo thành chuỗi công viên phần mềm có quy mô khu vực và quốc tế là điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, với 2 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, trong đó, phấn đấu cụm ngành du lịch chiếm khoảng 20%, cụm ngành logistics chiếm khoảng 15% GRDP, sẽ góp phần phục hồi vị thế khu vực dịch vụ của Đà Nẵng sau đại dịch Covid-19, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8,5%.

Nhiệm kỳ qua, kinh tế Đà Nẵng duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, gắn với ổn định cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2019 ước đạt khoảng 110.792 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng (4.095 USD), gấp 1,3 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế theo khu vực ổn định theo đúng định hướng với khu vực dịch vụ 64,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng 22,7%; nông nghiệp 1,8%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) 11,2%.

Riêng năm 2020, do tác động mạnh và tiêu cực của đại dịch Covid-19, dự báo GRDP (giá so sánh năm 2010) sẽ tăng trưởng âm khoảng 9,26%, trong đó chỉ có khu vực thủy sản - nông - lâm tăng trưởng trên 2,5%, khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp và xây dựng đều tăng trưởng âm (lần lượt khoảng 8,0% và 11,5%). GRDP năm 2020 (giá hiện hành) chỉ đạt khoảng 102 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 8 ngàn tỷ so với năm 2019, tương đương với GRDP năm 2018; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 3.693 USD thấp hơn so với năm 2018 và 2019 (lần lượt là 3.935, 4.156 USD).

Nhằm hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung, trong nhiệm kỳ này, Đà Nẵng sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng Tiên Sa; Bến trung chuyển container Liên Chiểu qua vịnh Đà Nẵng; đầu tư xây dựng ga hàng hóa - cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (khoảng 300 tỷ đồng) với công suất khai thác từ 80.000 - 100.000 tấn/năm; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi, trục giao thông chính của Đà Nẵng đến cảng biển (cải thiện sự kết nối với cảng Tiên Sa với trục Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa thông thoáng hơn) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Trong ngành du lịch, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng thành phố thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực; định hướng tăng số lượng khách quốc tế thuộc phân khúc chất lượng cao, có khả năng chi trả cao, hoàn toàn có thể phục hồi và duy trì tốc độ phát triển như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát Đà Nẵng triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch như đa dạng hóa thị trường, cơ cấu lại nguồn khách và sẵn sàng các điều kiện khai thác các thị trường quốc tế trọng điểm, gắn với các giải pháp kích cầu, thu hút khách du lịch trong nước.

Chú trọng, tăng cường khai thác và mở rộng các thị trường quốc tế gồm Nga, Ấn Độ, Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Trung Đông… Tiếp tục khai thác thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Đông Nam Á. Tập trung khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng, những hoạt động, sản phẩm dịch vụ, du lịch sẵn có. Đồng thời, trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, các cơ sở, sản phẩm du lịch mới... để tạo điều kiện đón đầu, đưa vào khai thác, phục vụ kịp thời hoạt động du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Để phát huy thế mạnh của ngành dịch vụ, thành phố cũng sẽ sớm ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm, đầu tư hoàn thiện và khai thác dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm như: Phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, quảng trường Trung tâm.

Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, giá trị gia tăng ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân khoảng 6%/năm. Bên cạnh 6 khu công nghiệp hiện nay, diện tích 1.066,5ha, Đà Nẵng đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng giai đoạn 1 và đạt 65% giai đoạn 2 Khu công nghệ cao; khánh thành Khu công nghệ thông tin giai đoạn 1, phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2 và Khu công viên phần mềm số 2; thành lập 3 khu công nghiệp mới và một số cụm công nghiệp, góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất và thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và phát triển kinh tế số.

Đà Nẵng là địa phương duy nhất có 2 khu Công nghệ thông tin tập trung được công nhận, từng bước giữ vai trò là đầu tàu của khu vực miền Trung về phát triển công nghiệp CNTT, thu hút được một lực lượng đáng kể nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút trên 25.500 lao động, trong đó khoảng 10.500 lao động làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả. Đà Nẵng đã hoàn thành dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, góp phần phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, nâng năng lực bốc dỡ của Cảng Đà Nẵng lên 10-12 triệu tấn/năm vào năm 2020, tích cực kêu gọi đầu tư một số trung tâm logistics trên địa bàn Đa Nẵng. Ngoài ra, Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, phục vụ du lịch và đô thị...

Đà Nẵng cũng sẽ sớm đề xuất và triển khai các đề án trở đưa thành phố trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trung tâm tài chính khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hình thành khu phi thuế quan.... Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Chú trọng thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công, làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, sử dụng nguồn vốn ngân sách vào các dự án có khả năng kích thích các nguồn tài chính khác như: lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng bảo vệ môi trường và các công trình không có khả năng thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu phát triển VH-XH đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho Đà Nẵng phát triển bền vững, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”.

Ưu tiên nguồn lực phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, thực sự là động lực chủ yếu phát triển KT-XH. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn và chủ động kiểm soát, ứng phó kịp thời với các dịch bệnh. Xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao lành mạnh; nếp sống văn hóa, văn minh đô thị giàu tính nhân văn, sáng tạo, thông minh, bền vững. Nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội trên địa bàn như Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”.

Trong đó, Đà Nẵng sẽ triển khai một số giải pháp căn bản như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố và chủ động kiểm soát, ứng phó kịp thời với các dịch bệnh. Xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao lành mạnh; thường xuyên quán triệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng về tư tưởng, đạo đức, về lối sống văn hóa, văn minh đô thị; phát huy những giá trị tinh thần truyền thống của Đà Nẵng gắn với những chuẩn giá trị mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội trên địa bàn, đặc biệt là thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả 10 Kế hoạch triển khai các chương trình của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 40-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, có biện pháp thích ứng, “chung sống” an toàn với dịch; đồng thời phải duy trì và phát triển các hoạt động KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội với chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Những khó khăn, thách thức, cơ hội, thuận lợi đan xen nhau sẽ là tiền đề, là nền tảng để thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục, với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, phát huy những bài học kinh nghiệm, thành tựu đã đạt được, chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực, đồng thuận cộng đồng doanh nghiệp và  người dân thành phố Đà Nẵng, chúng ta có thể tin tưởng KT-XH TP Đà Nẵng sẽ nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy phát triển, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu theo Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng và định hướng phát triển KT-XH theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tin cùng chuyên mục