Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đảm bảo phát triển bền vững, xứng tầm

Hướng đến mục tiêu “xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”, khắc phục các tồn tại của quá trình phát triển đô thị, Đà Nẵng xây dựng Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với sự tư vấn của đơn vị nước ngoài. Trong một thời gian ngắn kỷ lục, Đà Nẵng đã hoàn thiện đồ án để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng cụm cảng Đà Nẵng thành cụm cảng lớn, hiện đại. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Xây dựng cụm cảng Đà Nẵng thành cụm cảng lớn, hiện đại. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến mang tầm khu vực

Theo đồ án quy hoạch, TP Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, mang tầm khu vực. Phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung. Trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Dự thảo thiết kế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng được định vị chiến lược kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; một cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; mạng lưới thành phố thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm vận chuyển miền Trung Việt Nam …

Về tầm nhìn phát triển, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững với những mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao.

Đà Nẵng sẽ là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…

Quy hoạch thiết kế đô thị trong đề án được đơn vị thiết kế đưa ra trong một cuộc hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 gồm: Đà Nẵng là một phần của Mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, Cổng vào của Hành lang Kinh tế Đông – Tây, tham gia mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, điểm đến phong cách sống toàn cầu, trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

Theo dự báo, dân số Đà Nẵng đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người. Cấu trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng sẽ bao gồm: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và một vùng sinh thái.

Đà Nẵng cũng sẽ thiết lập hai vành đai kinh tế. Thứ nhất là Vành đai phía Bắc – Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển – Logistics. Thứ hai là Vành đai phía Nam – Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về định hướng hạ tầng kỹ thuật, phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó còn có đầu tư xây dựng nhà ga đường sắt mới, cảng Liên Chiểu, chuyển dần cảng Tiên Sa thành cảng du lịch…

Theo nội dung đồ án, giai đoạn 2020-2025, Đà Nẵng cần hơn 232.000 tỷ đồng đầu tư, và giai đoạn 2025-2030, Đà Nẵng cần thêm vốn đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng nữa. Tổng cộng, cần có 295.000 tỷ đồng để hiện thực hóa quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030.

Trong quá trình nghiên cứu đồ án, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức 3 hội thảo quốc tế: Hội thảo đóng góp ý tưởng cho Đồ án Quy hoạch chung; Hội thảo phương án quy hoạch cảng biển; Hội thảo phản biện đồ án Quy hoạch chung ngày, nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia.

Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư với 871 phiếu, tổng hợp thành 8 nhóm vấn đề, 62 nội dung; lấy ý kiến 10 doanh nghiệp, với 45 nội dung góp ý; ý kiến sở, ban, ngành, với 14 nhóm vấn đề, 80 nội dung góp ý. Ngoài ra, còn có ý kiến của 77 đơn vị, các hội, hiệp hội, các trường đại học, tổ chức và cá nhân chuyên gia.

Đúng tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị

Tại kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Đồ án Quy hoạch chung đã được trình HĐND để cho ý kiến, thảo luận nhằm biểu quyết thông qua để trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Báo cáo với các đại biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã thẩm tra đồ án và nhận thấy đủ điều kiện phê duyệt, phù hợp quy định. Đồ án lần này có phạm vi điều chỉnh với quy mô tổng thể. Tầm nhìn và mục tiêu của đồ án căn cứ đúng tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và có phần kế thừa quy hoạch năm 2013.

Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố thông minh ASEAN. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Trong đồ án này có những đề xuất mang tính đột phá như mô hình đô thị nén, đô thị sân bay, đô thị cảng biển; hình thành các khu chức năng mới như khu đổi mới sáng tạo, khu nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao, trung tâm dịch vụ logistics.

Còn theo đại biểu Nguyễn Đức Trị, nguồn vốn đầu tư cho đồ án này rất lớn, riêng giai đoạn 1 cần 232.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn suy giảm kinh tế do dịch Covid-19, vấn đề thu ngân sách của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất khó khăn, vì vậy việc thu xếp nguồn vốn cho đồ án cần được tính đến, phải có lộ trình ưu tiên phân kỳ các dự án để tránh việc các dự án động lực trọng điểm quan trọng khi triển khai thì thiếu vốn. Phải đẩy mạnh thu hút đầu tư để các nhà đầu tư tham gia vào quá trình thực hiện các dự án.

Trả lời các đại biểu, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng Đà Nẵng sẽ phải huy động, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phần vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương và địa phương chỉ mang tính định hướng.

Đồ án Quy hoạch chung đã được HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại Nghị quyết số 297 ngày 22-5-2020. HĐND TP Đà Nẵng cũng thống nhất quan điểm nhất quán đây là đồ án quy hoạch chung, do vậy, chỉ thể hiện những vấn đề chung đảm bảo đúng quy định, các nội dung chi tiết sẽ được thể hiện, cụ thể hóa khi tiến hành lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị.

Đến ngày 26-8, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 3 điểm cầu: Bộ Xây dựng (tại Hà Nội) - TP Đà Nẵng - đơn vị tư vấn Liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong (tại Singapore).

Tại hội nghị, Bộ Xây dựng đánh giá việc lấy ý kiến về nội dung quy hoạch của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý tại địa phương tuân thủ đúng quy định. Hồ sơ trình thẩm định của đồ án quy hoạch cơ bản phù hợp với quy định của các luật, đủ điều kiện trình để tổ chức hội nghị thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá, quá trình thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ngay từ những bước đầu, qua đó, đã hoàn thành đồ án trong thời gian kỷ lục.

Phát triển nhà cao tầng tại Đà Nẵng cần tạo các cụm nhà cao tầng làm điểm nhấn, các tuyến đường theo trục Đông - Tây từ trung tâm ra biển hình thành đại lộ nhà cao tầng để vẫn đón gió biển, kéo theo phát triển hệ thống giao thống metro, hệ thống xe buýt nhanh công cộng song hành, giải quyết kẹt xe. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đến thời điểm hiện tại, thành phần hồ sơ và thủ tục trình tự lập quy hoạch chung điều chỉnh cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật. Đồ án đã được nghiên cứu, thể hiện, xây dựng một cách công phu, kỹ càng, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tiếp thu được một số kinh nghiệm chọn lọc quốc tế về phát triển đô thị.

Đồ án Quy hoạch chung cơ bản bám sát định hướng lãnh đạo của các cấp có thẩm quyền, các quy hoạch ngành, chiến lược phát triển kinh tế biển, phát triển KT-XH, các quy hoạch kinh tế chuyên ngành, kể cả quy hoạch về sử dụng đất. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam; cơ bản đánh giá được kết quả thực hiện quy hoạch chung theo Quyết định số 2357.

Bên cạnh đó, đồ án cũng đã bám sát các nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 147 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đã tiếp thu rất nhiều các ý kiến đóng góp, tham gia của các bộ, ngành, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia và ý kiến cộng đồng.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, việc Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được xem xét, phê duyệt, sẽ cùng với Quyết định số 393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trở thành bộ ba công cụ vô cùng quan trọng của Đà Nẵng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, đảm bảo phát triển Đà Nẵng bền vững, lâu dài, xứng tầm với vai trò, vị trí của Đà Nẵng theo đúng kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Qua thẩm định đồ án, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Phạm Hồng Hà đề nghị TP Đà Nẵng phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, cập nhật đầy đủ các căn cứ pháp lý, và thể hiện rõ mức độ đáp ứng các căn cứ này trong đồ án.

Các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất phải được cập nhật theo các quy chuẩn quốc gia mới được ban hành như quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở, nhà ở xã hội, công trình công cộng, công viên, cây xanh…, trong đó lưu ý một số chỉ tiêu phải đạt được mức độ cao nhất.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng yêu cầu làm rõ hơn các căn cứ cụ thể, các cơ sở tính toán về tổ chức không gian đô thị, nhất là nghiên cứu kỹ các quy định về chiều cao cụ thể của công trình, nhằm tránh xảy ra tình trạng quy định bị bó cứng, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đô thị. Đồng thời, cần làm rõ thêm về bản sắc Đà Nẵng trong định hướng thiết kế đô thị; về mức độ đáp ứng bảo đảm quốc phòng – an ninh, kết hợp giữa phát triển KT-XH với quốc phòng – an ninh, tiêu biểu như trong định hướng khai thác bán đảo Sơn Trà.

Tin cùng chuyên mục