Kịch cách mạng tái ngộ

Nhà hát Kịch TPHCM vừa “trình làng” chùm kịch cách mạng nổi tiếng từng được dàn dựng trên sân khấu thành phố cách nay mấy mươi năm. Ngoài biểu diễn tại rạp hát Công Nhân, nhà hát đang tổ chức đưa kịch đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ và các đơn vị bộ đội. Chùm kịch gồm 3 kịch ngắn do đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng.
Kịch cách mạng tái ngộ

Nhà hát Kịch TPHCM vừa “trình làng” chùm kịch cách mạng nổi tiếng từng được dàn dựng trên sân khấu thành phố cách nay mấy mươi năm. Ngoài biểu diễn tại rạp hát Công Nhân, nhà hát đang tổ chức đưa kịch đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ và các đơn vị bộ đội. Chùm kịch gồm 3 kịch ngắn do đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng.

Đâu có giặc là ta cứ đi của tác giả Nguyễn Vũ với sự góp mặt của các diễn viên Hoàng Quân, Huỳnh Tấn Mẩm, Tuyết Thanh, My Trang. Câu chuyện nói về Ngọ - một thiếu niên 14 tuổi muốn được đi bộ đội để trả thù cho dân làng bị bọn giặc đàn áp, bóc lột. Biết được muốn đi bộ đội phải có thư bảo lãnh của người lớn nên Ngọ đã cùng với em gái mạo danh má Tám viết giấy cam đoan gửi lên đơn vị để được đi. Sau một thời gian ngắn, má Tám lên đơn vị tìm và bắt Ngọ về. Đến nơi, má Tám phát hiện Ngọ mạo danh má để viết thư. Má Tám nghĩ rằng Ngọ còn nhỏ nên quyết phải đưa về nhưng Ngọ lại nhất định không chịu về và nguyện một lòng ở lại làm bộ đội. Thấy tinh thần chiến đấu của Ngọ nên má Tám đã chấp thuận cho Ngọ ở lại rèn luyện để trở thành bộ đội Cụ Hồ…

Cảnh trong kịch ngắn Mùa xuân.

Cảnh trong kịch ngắn Mùa xuân.

Mùa xuân (tác giả Nguyễn Vũ) với sự tham gia của các diễn viên Diệu My, Thiện Trung và Công Đoan. Vở diễn khắc họa hình ảnh xung kích của tuổi trẻ trong việc giữ gìn, bảo vệ đất nước. Tất cả được thể hiện rõ nét qua nhân vật Trực già - tên thân thương mà đồng đội anh thường gọi. Dù bị thương ở chân phải nghỉ dưỡng nhưng sau khi được một nữ thanh niên xung phong chăm sóc, anh nhất quyết lên đường ra trận.

Trao súng (tác giả Nguyễn Tiến Trung) với các diễn viên Nhật Lệ, Hoàng Quân, Hoàng Nguyên, Hoàng Mi, Đình Duy. Vở diễn xoay quanh câu chuyện về gia đình bà Hiên giàu truyền thống cách mạng. Thời chống pháp, bà từng là chiến sĩ anh hùng. Bà có 2 người con tên Giang và Hương. Trong đó, Giang thường xuyên giao tiếp với những người theo lính thời bấy giờ nên bà không mấy hài lòng. Tổng tiến công Mậu Thân diễn ra, quân giải phóng đã làm chủ được thành phố. Nhân dịp này, Ủy ban Khởi nghĩa về địa phương làm lễ trao súng cho những thanh niên ưu tú đã có công trong cuộc tổng tấn công vừa qua. Oái oăm thay khẩu súng mà họ định trao lại là khẩu súng của bà từng cất giấu bao lâu mà bà đã tặng cho Ủy ban Khởi nghĩa.

Trong hoàn cảnh này, bà lại càng thất vọng và buồn hơn về con trai của mình, bởi trong thâm tâm, bà luôn mong muốn trao lại khẩu súng mà trước đây bà đã xông pha giết giặc cho con trai mình, để tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Trong khi đó, Giang lại càng ngày càng lún sâu vào con đường ăn chơi chẳng khác gì một cậu ấm. Nhưng cuối cùng, bất ngờ đã xảy ra khi tổ chức đề nghị bà trao súng lại cho Giang - con trai của bà. Bởi trong thời gian qua, theo sự phân công của tổ chức, Giang đã bí mật hoạt động trong lòng địch để cung cấp thông tin cho tổ chức bằng lớp bề ngoài là một cậu ấm ăn chơi...

Có thể nói, 3 kịch ngắn tuy là 3 câu chuyện khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung về niềm tin cách mạng, về sự cống hiến của những người yêu nước. Cho nên những vở kịch ngắn này không đơn thuần để giải trí mà qua đó còn mang tính giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ hôm nay. 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục