Với số lượng khán giả và nghệ sĩ biểu diễn giảm dần ngay cả trước dịch Covid-19, một số người trong ngành lo ngại đại dịch này có thể là hồi chuông báo tử cho bộ môn nghệ thuật được coi là một trong những loại hình sân khấu lâu đời nhất thế giới. Nghệ sĩ Kennosuke Nakamori, 33 tuổi, vẫn luyện tập đều tại rạp hát của gia đình anh ở Kamakura, tỉnh Kanagawa, thở dài: “Có rất nhiều nghệ sĩ đã phải ngừng biểu diễn do Covid-19… Chúng ta có thể kiếm sống không? Đây là một vấn đề lớn”.
Nhưng trong khi Chính phủ Nhật Bản đang bơm tiền vào một số loại hình nghệ thuật, các diễn viên Noh nhận được ít sự hỗ trợ của nhà nước và những gì họ nhận được là chưa đủ. Tuy chính phủ trợ cấp các buổi biểu diễn, nhưng Nakamori cho biết, các buổi biểu diễn khả năng thất thu nặng do các rạp phải giảm một nửa số khán giả, đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội. Theo anh điều nghịch lý là: “Càng biểu diễn nhiều trên sân khấu, thua lỗ sẽ càng lớn. Chúng tôi cần trợ cấp để bù đắp khi không thể tổ chức các buổi biểu diễn”.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, khán giả của Noh ngày càng thu hẹp và ít người trẻ tuổi được đào tạo đủ chuyên sâu để biểu diễn. Các loại hình nghệ thuật khác, như múa rối bunraku, được chính phủ tài trợ rất nhiều. Theo ông Kennosuke Kanta, 59 tuổi, cha của anh Nakamori: “Chúng tôi làm việc với tư cách là những người làm nghề tự do riêng lẻ nên không có tài trợ”. Genjiro Okura, người chơi trống kotsuzumi nhỏ được sử dụng trong Noh, đã được Chính phủ Nhật Bản phong tặng là “Bảo vật quốc gia” để ghi nhận tài năng của ông. Nhưng điều đó đã không bảo vệ người đàn ông 62 tuổi khỏi cuộc khủng hoảng. “Chúng tôi đã bị đẩy vào một tình huống khó khăn”, Okura nói. Ông đã trải qua 4 tháng mà không có một suất diễn nào. Các nghệ sĩ Noh thường kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy đàn, nhưng điều đó giờ cũng khó. Ngoài ra, nhiều người lớn tuổi theo học bộ môn kịch Noh vì đam mê, giờ đây đã phải bỏ dở do lo ngại lây nhiễm Covid-19.
Lo lắng về tương lai của Noh, Nakamori và cha anh đã khởi động một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng để bù đắp những khoản lỗ cho các chương trình mà họ hy vọng sẽ tổ chức vào mùa thu. Họ cũng tăng giá vé và kêu gọi quyên góp thêm từ khán giả; đổi lại, khán giả được tri ân bằng những món quà liên quan đến Noh. Họ cũng có kế hoạch thử phát trực tuyến một số buổi biểu diễn và tính phí. Theo ông Kanta: “Chúng tôi cần tạo những điểm thu hút mới và nỗ lực thu hút người hâm mộ mới”. Rất may là số lượng người theo dõi Noh qua hình thức trực tuyến đang tăng. Với lịch sử hàng thế kỷ, ông Kanta hy vọng sức hấp dẫn của kịch Noh sẽ tiếp tục tồn tại dài lâu.
Nguồn gốc của Noh có từ thế kỷ thứ 8, nhưng các vở kịch được trình diễn ngày nay phần lớn được phát triển vào khoảng thời kỳ Muromachi của Nhật Bản (1336-1573). Kịch Noh là loại hình nghệ thuật nằm trong danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO, kết hợp múa, âm nhạc và kịch theo cách tiếp cận tối giản. Các diễn viên đeo mặt nạ gỗ và mặc kimono truyền thống, trượt dọc sân khấu trong đôi tất tabi màu trắng. Các vở kịch hầu như do nam biểu diễn, truyền tải những câu thoại bằng âm sắc thấp, kéo dài mà khán giả hiện đại có thể khó hiểu. Phía sau diễn viên là người đánh trống và người thổi sáo. Sân khấu truyền thống được làm từ gỗ bách và trang trí bằng cây thông sơn duy nhất trên bức tường phía sau. |