Kiểm ngư được sử dụng vũ khí

Chiều 9-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về Tờ trình của Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và khóa XIII của Quốc hội.

(SGGPO).- Chiều 9-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về Tờ trình của Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và khóa XIII của Quốc hội.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép tách nội dung đầu tư công để xây dựng Luật Đầu tư công, tách nội dung mua sắm công để xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi), thay vì xây dựng một dự án luật bao gồm cả hai nội dung là Luật Đầu tư công, mua sắm công... Việc tách và đổi tên Luật Mua sắm công là Luật Đấu thầu (sửa đổi) để phù hợp với thực tế là quy định về mua sắm công trong dự thảo Luật này thực chất là nội dung được thiết kế trên cơ sở sửa đổi Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiện hành. Việc đổi tên luật cũng nhằm khắc phục cách hiểu khác cho rằng Luật Mua sắm công được xây dựng để điều chỉnh các hoạt động mua sắm sử dụng vốn chi thường xuyên.

Từ thực tế quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua, Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự án Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (sửa đổi) vào Chương trình chính thức khóa XIII để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2014.

Một Pháp lệnh khác tuy vừa được thông qua vào tháng 6-2011, có hiệu lực từ 01-01-2012, nhưng được đề nghị sửa đổi ngay trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 là dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Theo báo cáo của Chính phủ, khi triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đã có những vấn đề bất cập cần phải được sửa đổi kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cụ thể như quy định về “tiền chất thuốc nổ”, về đối tượng kinh doanh tiền chất thuốc nổ...

Mặt khác, trong thời gian vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho phép Chính phủ thành lập Lực lượng kiểm ngư, theo đó trong khi thi hành công vụ, lực lượng này có quyền sử dụng một số loại vũ khí và công cụ hỗ trợ. Vì vậy, việc sửa đổi Pháp lệnh này là cần thiết để khắc phục những bất cập nêu trên (bổ sung quy định mới cho phép Lực lượng kiểm ngư được sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ).

Đáng lưu ý, Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện Thừa phát lại vào Chương trình chính thức năm 2012 để trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính thức mô hình Thừa phát lại trên phạm vi cả nước.

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được (tính đến 01/7/2009) vào Chương trình chính thức năm 2012 để trình Quốc hội khoá XIII xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo trình tự, thủ tục rút gọn...

Qua quá trình phân tích, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chưa trình ra Quốc hội dự án Luật Đầu tư công và Mua sắm công. Như vậy, cùng với dự án Luật Việc làm (chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu), dự án luật trên đượt rút ra khỏi chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4. Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Báo cáo đánh giá cụ thể tình hình thí điểm thực hiện mô hình Thừa phát lại để Quốc hội ra Nghị quyết cho phép tiếp tục triển khai hoặc chấm dứt thí điểm.

Việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được chấp thuận đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Tuy nhiên, đề xuất bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình nghị sự dự kiến, phiên họp thứ 12 của UBTVQH sẽ tiếp tục vào ngày 16-10 tới và kết thúc vào ngày 18-10.

 

Hoạt động Thừa phát lại tại TPHCM đạt được những kết quả rõ rệt

Qua 03 năm thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động Thừa phát lại đã đạt được những kết quả rõ rệt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và được xã hội đón nhận một cách tích cực.

Tính đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 08 văn phòng Thừa phát lại với 33 Thừa phát lại, 68 Thư ký Thừa phát lại và 33 nhân viên khác làm việc tại các văn phòng Thừa phát lại. Kết quả hoạt động của 05 văn phòng Thừa phát lại (không tính kết quả hoạt động của 03 văn phòng mới được thành lập) tính từ 21/5/2010 đến 30/6/2012 như sau:

- Về tống đạt: đã thực hiện tống đạt 103.218 văn bản với tổng chi phí thu được bước đầu là 6.568.605.000 đồng. Về cơ bản, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện khá tốt việc tống đạt các văn bản, giấy tờ cho Tòa án và các cơ quan Thi hành án dân sự.
 
- Về lập vi bằng: Tổng số vi bằng đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh là 5.020 vi bằng, tổng doanh thu là 9.556.248.000 đồng.

- Về xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự: Các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện được 147 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án với tổng số phí thu được là 682.550.000 đồng.

- Về trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự: Các văn phòng Thừa phát lại đã thi hành xong 16 vụ việc với giá trị thi hành là 7.318.317.993 đồng với tiền phí thu được là 359.966.280 đồng.

- Tổng doanh thu của các văn phòng Thừa phát lại là 17.167.369.280 đồng.

Mặc dù thời gian thí điểm chưa dài, địa bàn thí điểm hẹp, số lượng văn phòng còn ít, nhưng hoạt động Thừa phát lại đã có những tác động tích cực đối với xã hội. Thông qua việc chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại, mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân được củng cố và tăng cường; nâng cao trách nhiệm của công dân cũng như của các Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự.

(Trích Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và khóa XIII của Quốc hội)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục