Kiểm soát tín dụng theo cơ chế thị trường

Từ đầu năm đến nay, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh. Tính đến đầu tháng 6-2022, tín dụng toàn ngành đã tăng đến 8% so với cuối năm 2021, mức tăng khá cao so với mục tiêu định hướng của cả năm 2022 là 14%. Hiện nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp vẫn rất lớn, thế nhưng nhiều ngân hàng lại rơi vào tình trạng hết hạn mức (room) tín dụng, nên không thể cho vay thêm.
GIao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM Ảnh: PHAN LÊ
GIao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM Ảnh: PHAN LÊ

Ngưng giải ngân vì hết hạn mức

 Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện vốn tín dụng tăng mạnh và “trúng” với mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch khi chủ yếu tập trung cho vay ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hoạt động cho vay trong những lĩnh vực rủi ro khác như bất động sản, BOT… vẫn được kiểm soát tốt. Ngành ngân hàng không “đóng cửa” với tín dụng bất động sản mà những dự án tốt vẫn được xem xét; nhu cầu vay mua nhà để ở của cá nhân vẫn được hỗ trợ. 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang hấp thụ vốn mạnh mẽ, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã không còn room (hạn mức giới hạn cho vay của ngân hàng) để cho vay, ngay cả khi đang chuẩn bị cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Dự kiến dư nợ cho vay gói này có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, kể từ khi NHNN có công văn yêu cầu kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản, 2 tháng qua, việc vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng “khát” vốn do bị ngân hàng trả hồ sơ vay vốn với lý do chủ yếu là hết room tín dụng.

Đáng nói, tình trạng nhiều ngân hàng hết room tín dụng đã làm phát sinh một số hành vi chèn ép, làm khó khách hàng ở những ngân hàng còn room. Anh Minh Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, đã hoàn tất hồ sơ vay mua căn hộ tại TP Thủ Đức để được giải ngân vào đầu tháng 6-2022. Tuy nhiên, trước đó 10 ngày, anh Hoàng được ngân hàng nơi anh đăng ký vay, thông báo chưa thể giải ngân vì đã hết hạn mức cho vay. Sự việc này làm anh chới với vì đã hoàn tất hợp đồng mua căn hộ. Anh Hoàng cấp tập đến một số NHTM khác để hỏi vay nhưng cũng nhận được câu trả lời: chờ NHNN cấp room thêm mới cho vay. Không còn cách nào khác, anh đành chấp nhận đi “đường vòng”.

“Cuối cùng, tôi phải chấp nhận mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 80 triệu đồng để được giải ngân gần 1 tỷ đồng, đóng tiền mua nhà cho đúng tiến độ”, anh Hoàng cho hay. 

Không chỉ khách hàng cá nhân mà ngay cả doanh nghiệp cũng bị làm khó khi nhiều ngân hàng hết room tín dụng. Một doanh nghiệp giấu tên cho biết, muốn được vay trong thời điểm này, dù là vay sản xuất, kinh doanh cũng phải chấp nhận mua hợp đồng bảo hiểm với đơn vị bảo hiểm là đối tác của ngân hàng, tùy theo số tiền vay. 

Thậm chí, nhiều ngân hàng cũng đang “chật vật” khi đã hết room tín dụng, và không ít ngân hàng đề xuất với NHNN xin nới room tín dụng. Ngân hàng MB là một ví dụ. Ngân hàng này cho biết, hiện nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của MB rất lớn, nhất là khi MB đang triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%.

Tương tự, ABBank cho biết đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 572 tỷ đồng, tương đương với quy mô 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng 2 năm đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng tháng 5-2022 của ABBank là 84.011 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm, gần hết room. Trong khi đó, dự kiến đối tượng được hưởng chương trình ưu đãi lãi suất 2% chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của ABBank nên ngân hàng này cần được cấp tín dụng để có dư địa hỗ trợ doanh nghiệp. 

Vietcombank được NHNN cấp room tín dụng đầu năm 10%, nhưng đến cuối tháng 5-2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9%. BIDV, Vietinbank được giao 10%, nhưng đến nay cũng đã sử dụng gần cạn mức tín dụng. MB được NHNN giao hạn mức tín dụng tạm thời là 15%, nhưng đến cuối tháng 3-2022 đã tăng trưởng tín dụng đạt 14,3%. Các ngân hàng khác như Sacombank, TPBank, VPBank, ACB, SHB đến nay cũng đã sử dụng 80%-90% room được giao.
Thông qua hệ số an toàn

Hạn mức tín dụng đang là một trong những vấn đề “nóng” được đặt ra tại nghị trường Quốc hội khóa XV. Nhiều đại biểu cho rằng, việc cấp room tín dụng mang dáng dấp quản lý bao cấp, không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, áp cơ chế room tín dụng khi gói hỗ trợ lãi suất 2% đang triển khai sẽ dễ xảy ra nguy cơ ngân hàng có tiền mà không cho vay, trong khi việc cho vay để phục hồi sản xuất sau đại dịch theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội là rất cấp bách. 

Kiểm soát tín dụng theo cơ chế thị trường ảnh 1 Nhiều ngân hàng đã đăng ký hạn mức cho vay gói hỗ trợ tín dụng 2% nhưng đang chờ nới room. Ảnh: PHAN LÊ

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng lý giải, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện vốn tín dụng trên GDP đang ở mức 124% nên Việt Nam là một trong số quốc gia mà tỷ lệ này cao nhất thế giới. Do đó, khi có biến động trong nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết, bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả, sẽ gây hệ lụy đến toàn nền kinh tế.

Trước đây, khi không kiểm soát room tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới 30%-53,8%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay. Từ năm 2011, khi ngân hàng áp dụng biện pháp “quản” room tín dụng, công tác tổ chức điều hành thị trường tiền tệ đã có nhiều tích cực, tín dụng ổn định trở lại. 

Với quan ngại cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng này sẽ “chặn” dòng vốn rẻ tới người vay, Thống đốc NHNN cho rằng, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của NHTM thì Việt Nam sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay. 
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, thay vì kiểm soát tín dụng bằng biện pháp hành chính như hiện nay, NHNN có thể linh hoạt, áp dụng nhiều công cụ mang tính thị trường hơn, vì hiện trên thế giới, rất ít quốc gia còn sử dụng công cụ cấp room tín dụng như Việt Nam.

Ông Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh): Không cần kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính

NHNN không cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng mệnh lệnh hành chính như hiện nay, mà có thể quản lý thông qua tiêu chuẩn vốn theo Basel (các nguyên tắc chung nhằm xác định tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính) kết hợp với công cụ quản lý ngân hàng hiện đại như kiểm tra định kỳ (stress test). “Stress test vẫn tạo ra giới hạn tín dụng cho các ngân hàng nhưng trên cơ sở định lượng, khách quan, minh bạch và theo tính thị trường hơn. Mô hình này sẽ loại bớt chuyện xin - cho, “chia bánh” theo chủ quan. Thay vì “ai ngoan có bánh” khi áp dụng mô hình này thì “ai giỏi mới có bánh”. Ngân hàng nào quản lý hiệu quả, an toàn vốn mạnh, ít nợ xấu, hiệu quả chi phí (cost efficiency) tốt, chạy stress test ra đẹp thì cứ tiếp tục cho vay, chứ không phải chờ cấp room. Những ngân hàng yếu sẽ bị “tuýt còi” kéo ra một bên để giám sát chặt, hoặc phải tăng vốn mới được “cho bánh”.

Mặc dù khi áp dụng công cụ này, các NHTM sẽ chủ động lên kế hoạch kinh doanh, không có chuyện hết room, phải ngồi chờ, dẫn tới tạm dừng giải ngân như hiện nay. Chỉ có một vấn đề, việc phân bổ tín dụng như vậy sẽ tập trung vào những ngân hàng mạnh. Do đó, ứng xử như thế nào với những ngân hàng yếu kém cũng sẽ là bài toán khó. 

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV: Nới room kịp thời cho các ngân hàng

Trong bối cảnh ngân hàng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, cơ chế cấp room tín dụng có thể coi là giải pháp tạm thời trong thời gian 1-2 năm nữa, vì đây vẫn là bước đi cần thiết trong lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại hóa và độc lập hơn. Tuy nhiên, trong khi chờ bỏ cơ chế này thì NHNN cần xem xét nới room kịp thời cho các ngân hàng để tránh việc cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp, người dân - khách hàng của ngân hàng bị gián đoạn trong các hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, NHNN có thể quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng, thay vì hạn chế room tín dụng như hiện nay.


Tin cùng chuyên mục