(SGGP).- Tại tọa đàm góp ý kiến cho dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) diễn ra ngày 9-4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng cần phải giảm thuế TNDN hơn so với đề xuất của Bộ Tài chính (23%) để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, mức 23% như dự thảo vẫn cao hơn nhiều nước và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Đài Loan… vì vậy, cần hạ mức này xuống 20% hoặc 22% nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, đối với những ngành đặc thù như dệt may, thuế suất phải thấp hơn nữa. Còn theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Bộ Tài chính không muốn giảm thuế suất với lý do lo giảm thu. Tuy nhiên, VAFI cho rằng, khi giảm thu thuế TNDN, các khoản thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng do doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh. Do vậy, cần phải đánh giá định lượng các khoản thu này thay vì chỉ nói về khoản giảm thu.
Liên quan đến trần chi phí tiếp thị, quảng cáo, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thống nhất kiến nghị bỏ quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại. Trường hợp không thực hiện được điều này có thể cân nhắc nâng mức giới hạn lên 15%-20% trên tổng doanh thu và tiếp theo đó sẽ có lộ trình dỡ bỏ hoàn toàn.
Theo khảo sát của Hiệp hội bán lẻ, kết quả khảo sát khoảng 50 nước trên thế giới cho thấy, chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, trong khi mức này ở Trung Quốc là 15% trên tổng doanh thu hàng năm, thậm chí một số ngành (mỹ phẩm, dược, đồ uống giải khát) được phép khấu trừ tối đa 30%.
Hà My