Theo UBND TPHCM, trong ngắn hạn, cần định hướng mục tiêu phát triển trung tâm tài chính tại TPHCM hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia. Trong trung hạn sẽ định hướng tầm cỡ khu vực. Bước đầu, trung tâm tài chính tại TPHCM có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia lân cận đang chuyển đổi và phát triển nhanh như Lào, Campuchia, Myanmar, hay Brunei là nước giàu nhưng chưa có thị trường tài chính phát triển. Tiếp đó, trung tâm có thể hướng đến mục tiêu gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong ASEAN.
Trong dài hạn, trung tâm tài chính tại TPHCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả khu vực và toàn cầu.
Cũng theo UBND TPHCM, ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đã có từ nhiều năm trước, nhưng do điều kiện chưa chín muồi nên chưa trở thành hiện thực. Đến nay, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn thể hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập, trở thành một động lực mới quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính, góp phần quan trọng trong việc nâng vị thế quốc gia.
Khi xem xét sự dịch chuyển và hình thành của các trung tâm tài chính quốc tế, TPHCM cho rằng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia đã giúp các trung tâm tài chính mới vươn lên hàng đầu trong vài thập niên gần đây, như Singapore, Thượng Hải, Istanbul hay Dubai... Vì vậy, UBND TPHCM đã có kiến nghị như trên.