TPHCM đã có lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển. Việc quy hoạch kiến trúc cho một đô thị văn minh, hiện đại, lại vừa giữ được những nét đặc sắc, truyền thống của Sài Gòn xưa, đồng thời phải đảm bảo cho một thành phố phát triển bền vững trong tương lai hàng trăm năm sau… trở thành một bài toán cực kỳ khó cho các nhà khoa học và chính quyền thành phố.
Qua tổng kết một số thực hành và sáng kiến kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn TPHCM trong thời gian vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nhận thấy trong thiết kế và quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị có một số nguyên tắc sơ bộ như sau:
Tổ chức không gian kiến trúc đô thị
Khía cạnh môi trường, là nguyên tắc thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng tôn trọng và thân thiện với thiên nhiên, tận dụng tối đa lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường thiên nhiên: đặc biệt bảo vệ và tận dụng mạng lưới sông rạch đặc trưng ở TP, sử dụng hiệu quả ánh sáng mặt trời, gió tự nhiên…
Trong quy hoạch thiết kế các khu chức năng của đô thị, nên nghiên cứu tích hợp các giải pháp quy hoạch - kiến trúc với giải pháp kỹ thuật hạ tầng đô thị; chẳng hạn như giải quyết kết hợp cảnh quan và thoát nước đô thị bằng hệ thống hồ cảnh quan vận hành như hồ điều tiết, mảng xanh thấm nước mưa, bổ sung nước ngầm…
Trong khía cạnh văn hóa - xã hội, cần tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị TP qua việc xác định và phát huy các giá trị đặc thù như: mặt nước (sông Sài Gòn, hệ thống kênh rạch), các khu lõi đô thị cũ với những công trình mang giá trị lịch sử - văn hóa đan xen kiến trúc mới thể hiện quá trình phát triển…
Chẳng hạn như, ngoài việc khai thác mặt nước, không gian đi bộ hai bên dòng sông là con đường thể dục buổi sáng của cư dân, là nơi gặp gỡ giao lưu của các thế hệ. Trong những ngày lễ hội, không gian bờ sông trở thành không gian lễ hội, nơi bắn pháo hoa, chỗ tổ chức các trò chơi và tổ chức các sân khấu gắn liền với nước.
Cây cầu để nối liền không gian hai bên bờ không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện thể hiện thẩm mỹ đô thị với kiến trúc riêng của nó. Cần có chiến lược gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đô thị như bảo vệ và khai thác có hiệu quả những công trình kiến trúc có giá trị bảo tồn; tạo lập những không gian đường phố thân thiện, gần gũi với tập quán sinh hoạt của người dân TP (dãy phố, vỉa hè, cây xanh…); thúc đẩy không gian công cộng gắn kết với các hoạt động người dân đô thị (các công viên, vườn hoa…).
Về khía cạnh kinh tế, việc quy hoạch đô thị tập trung khai thác hợp lý các quỹ đất theo hướng tập trung, tránh dàn trải, khai thác tối ưu hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị (ưu tiên mật độ nén cao). Từ đó dành quỹ đất tự nhiên (chưa khai thác) để dành cho môi trường đô thị và dự trữ cho khả năng phát triển đô thị trong tương lai.
Trong công tác quản lý kiến trúc đô thị, các nguyên tắc trên cần được tổng hợp và pháp lý hóa thành các quy định chung của TP về quy hoạch - kiến trúc, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đối với các khu vực đặc thù cần xây dựng các quy chế riêng đến từng ô phố, lô đất để làm cơ sở hướng dẫn và kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng trong khu vực.
Giải pháp kiến trúc và kỹ thuật công trình
Nguyên tắc cơ bản là áp dụng những nguyên tắc thiết kế truyền thống phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm từ những công trình có quy mô nhỏ (ví dụ các giải pháp sử dụng mái hiên, lá chớp, mành che…) đến quy mô lớn hơn (như sử dụng cấu trúc vỏ hai lớp…). Đồng thời kết hợp các giải pháp tổ chức không gian, dây chuyền chức năng phù hợp tập quán sinh hoạt của người Việt Nam.
Đặt trong tổng thể khu vực, cần chú ý nghiên cứu hình khối, tỷ lệ công trình phù hợp không gian đô thị đặc thù của TP. Ví dụ như công trình Diamond Plaza với khối tháp kính lùi sâu phía trong, khối bệ công trình 4 tầng, kiến trúc cổ điển bằng vật liệu đá trắng, gần gũi với không gian thấp tầng quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà, thân thiện với người đi bộ…
Trong giải pháp kỹ thuật công trình, cần tiến tới áp dụng đầy đủ Quy chuẩn xây dựng VN về công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả, thí điểm áp dụng hệ thống chỉ số “công trình xanh” đối với các công trình công cộng, thương mại có quy mô lớn (như hệ thống Lotus, đang được nghiên cứu áp dụng đối với công trình trụ sở Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM).
Phát triển bền vững
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, kiến trúc đô thị cần được phát triển theo định hướng:
– Phát triển và hình thành tổng thể kiến trúc TP trên cơ sở phân bố và phát triển các khu vực theo mô hình phù hợp, nhằm đến mục tiêu phát triển bền vững của TP, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
– Tổng thể kiến trúc của mỗi khu vực phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, đặc điểm xã hội, truyền thống văn hóa lịch sử. Việc hình thành tổng thể kiến trúc phải căn cứ vào các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt. Trong đó phải coi trọng nội dung thiết kế đô thị nhằm mục tiêu gắn kết các công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên tạo thành một hình ảnh đô thị đặc trưng, mang tính đa dạng một cách thống nhất.
– Phát triển tổng thể kiến trúc theo hướng hòa nhập giữa quá khứ, hiện tại với tương lai bao gồm việc cải tạo, nâng cấp giá trị các khu vực đô thị hiện có. đồng thời phát triển các công trình và khu đô thị mới, hiện đại, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa cải tạo và xây dựng mới, nhằm đảm bảo bộ mặt kiến trúc truyền thống được từng bước đổi mới, song không mất đi tính kế thừa và bản sắc của riêng mình.
– Trong tổng thể kiến trúc của từng khu vực, mỗi một công trình là một bộ phận cấu thành không gian kiến trúc đô thị. Do đó, việc tạo lập và hình thành các công trình kiến trúc trong mỗi khu vực phải tuân thủ nguyên tắc kết hợp chung với riêng, cá nhân với cộng đồng.
Việc cải tạo, xây dựng trong đô thị phải tuân thủ các quy tắc quản lý quy hoạch và thiết kế đô thị một cách chặt chẽ tạo nên một trật tự kiến trúc phù hợp với không gian và thời gian.
KTS LY KHANH TÂM THẢO (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM)