Kiến trúc sư Phạm Tuấn Khanh: Tìm sự hòa hợp giữa cái cũ và cái mới

Kiến trúc sư Phạm Tuấn Khanh: Tìm sự hòa hợp giữa cái cũ và cái mới

Năm 2001, kiến trúc sư Phạm Tuấn Khanh đã thiết kế dự án tứ giác Eden (trục đường Lê Lợi - Đồng Khởi - Nguyễn Huệ) ở trung tâm TPHCM để tham dự cuộc thi quốc tế do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) tổ chức với chủ đề “Tìm những ý tưởng và hướng đi mới cho các đô thị trong thế kỷ 21”. Ý tưởng chính của dự án là tạo ra một không gian đệm có thể kết nối được các công trình kiến trúc cổ lâu đời và có giá trị cao về nghệ thuật như: Nhà hát TPHCM, UBND TPHCM, khách sạn REX, thương xá TAX, nhà thờ Đức Bà…

* Phóng viên: Trưởng thành trong một gia đình quân nhân, sao anh lại đam mê một lĩnh vực hoàn toàn khác?

* Kiến trúc sư PHẠM TUẤN KHANH: Cha tôi vốn là một quân nhân. Tuy nhiên, từ nhỏ tôi đã mê hội họa và thiết kế. Gia đình tôi cũng thoáng và quan niệm rằng anh em chúng tôi thích làm nghề gì cũng được, miễn sao có ích cho xã hội.

* Trưởng thành trong một gia đình như vậy, chắc hẳn con đường khởi nghiệp của anh có nhiều thuận lợi?

* Không. Tôi tự thân vận động, tự học và thi đậu đại học. Tốt nghiệp ra trường tôi lại tự ứng thí vào chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM và được chọn lựa từ năng lực của mình. Sau đó, tôi về công tác tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và giảng dạy thêm tại Trường Đại học Kiến trúc TPHCM.

Kiến trúc sư Phạm Tuấn Khanh (áo đen) đang thảo luận dự án cùng các đồng nghiệp trẻ.

Kiến trúc sư Phạm Tuấn Khanh (áo đen) đang thảo luận dự án cùng các đồng nghiệp trẻ.

* Ý tưởng của dự án tứ giác Eden của anh khởi nguồn từ đâu?

* Việt Nam là một đất nước vừa trải qua mấy chục năm chiến tranh, công việc tái thiết lại đất nước gần như đang ở bước đầu. Vấn đề bảo tồn và phát triển đang được đặt ra như một điều cốt yếu nhất. Việc xem xét lại một cách có ý nghĩa về vai trò của kiến trúc sư ở thế kỷ 21 đòi hỏi chúng ta vừa có bầu nhiệt huyết, sức mạnh và cả lòng dũng cảm để có thể đóng góp được gì đó mang lại vẻ đẹp nhưng vẫn giữ được cái hồn, nét đặc trưng của thành phố đã có trong nhiều thế kỷ qua.

* Và anh đã gửi gắm vào đó nhiều cảm xúc?

* Sài Gòn - TPHCM đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hồn của phố là chất keo gắn bó cộng đồng dân cư tại đây. Bên cạnh đó, còn một chất keo gắn bó khác là lối sống, là cộng đồng. Đã bao giờ bạn nhâm nhi ly cà phê ở vỉa hè đường Pasteur vào sớm mai chưa? Hay đến đọc sách ở Thư viện Quốc gia? Rồi đêm về lại lững thững bước đi trên đường phố Nguyễn Huệ, hòa cùng dòng người đi dạo? Tất cả những điều đó đã là “rất Sài Gòn”.

* Còn bản sắc con người Sài Gòn là gì, theo anh?

* Con người có thể tạo ra dấu ấn của mình ở từng nơi chốn, nhưng các nơi chốn cũng có tác động đến con người thâm sâu gấp bội, đó là những màu sắc, mùi vị, mảng xanh, công trình kiến trúc và ngay những khoảng không cũng thẩm thấu vào những ai thường xuyên tiếp cận với nó và từ từ hình thành, tạo nên nhân cách, bản chất của con người. Một số địa điểm có tác động mạnh vào con người, bằng vẻ đẹp lẫn sự thanh nhàn, tạo sự sảng khoái hay giải cứu những nỗi đau, nỗi lo. Tất cả những nơi đó đều tạo nên cá tính của người Sài Gòn. Và cũng có thể nói, con người chính là tâm điểm tạo nên một Sài Gòn – TPHCM.

* Là một trí thức thuộc thế hệ 7X, anh có cảm nhận gì về sự phát triển của đô thị hôm nay?

* Tôi thật sự thất vọng vì ngày hôm nay khi tôi đang đi tìm hiểu những quy chuẩn quy phạm xây dựng của khu vực để áp dụng vào thiết kế của mình... thì ngày hôm qua, hàng loạt nhà cao tầng, cao ốc đã mọc lên và chẳng theo một quy chuẩn xây dựng nào cả. Có lẽ, nếu căn cứ theo đúng quy chuẩn quy phạm của khu vực thì ở thành phố sẽ có rất nhiều những tòa nhà cao tầng như vậy phải đập bỏ đi.

* Các kiến trúc sư thì nói về những cái đẹp, về cảnh quan, còn nhiều người khác lại đang đặt những mục tiêu về kinh tế. Hình như đang có mâu thuẫn?

* Người ta có thể hy sinh một phương án kiến trúc tốt cho mục đích kinh tế, vậy người ta có thể hy sinh một mục đích kinh tế cho một phương án kiến trúc tốt hay không? Điều đó theo tôi là không thể, đặc biệt là trong điều kiện đất nước còn nghèo như hiện nay. Đi tìm sự hòa hợp giữa cái cũ và cái mới luôn là một bài toán khó! Có người cho rằng sẽ thật buồn tẻ khi một thành phố trẻ và hiện đại lại toàn những kiến trúc cũ và cổ. Nhưng cũng thật đơn điệu nếu thành phố chỉ toàn là những hộp kính, những cao ốc chọc trời.

Vấn đề ở đây là phải có cả cũ lẫn mới, nhưng điều cơ bản là tỷ lệ là bao nhiêu? Nếu 80% kiến trúc hiện đại thì kiến trúc cũ sẽ nổi bật, điều này phù hợp với một thành phố trẻ như TPHCM nhưng có lẽ sẽ ngược lại với Hà Nội.

* Trung tâm TPHCM về sau này sẽ thế nào, qua dự án của anh?

* Trung tâm TPHCM có bề dày lịch sử, xuyên suốt quá trình hơn 300 năm hình thành và phát triển với những di sản kiến trúc Pháp cổ điển để lại, có giá trị lớn về nghệ thuật và quan hệ với tổng thể đô thị hiện hữu về cả vật chất lẫn tinh thần.

Tôi chọn phương án cải tạo công trình cũ, xuống cấp (Eden) làm hạt nhân cho nghiên cứu quy hoạch của cả khu vực xung quanh. Như vậy, chúng ta vừa bảo tồn những di sản kiến trúc cổ vừa định hướng phát triển tất yếu cho đô thị trong tương lai. Thông qua việc hoạch định chiều cao của không gian xung quanh khu vực này ở mức độ và mật độ tối đa, đủ để tạo một phông nền hiện đại cho các công trình kiến trúc cổ điển có sẵn, tạo một khoảng trống vừa đủ như một bình diện thiết lập những tầm nhìn và góc nhìn hợp lý đến những công trình cổ. Bên cạnh đó là một công trình mới 7 tầng hoàn toàn ngầm dưới mặt đất - tạo ra một sức sống mới cho khu trung tâm với những dịch vụ công cộng vui chơi giải trí, thương mại, trưng bày triển lãm… Đưa giao thông cơ giới cũ xuống ngầm để tạo ra các trục đi bộ, nhằm nối kết những kiến trúc cũ và sông Sài Gòn cách đó 780m.

* Cảm ơn anh!

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục