Thép tăng giá và những tác động dây chuyền…

Thép tăng giá và những tác động dây chuyền…

Phôi thép là một trong những mặt hàng thường xảy ra biến động về giá trên thị trường thế giới. Nếu chủ động được nguồn phôi thép thì chúng ta sẽ hạn chế được những biến động bất lợi cho nền kinh tế nước nhà do thị trường phôi thép thế giới gây ra.

Khi giá thép leo thang

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, giá phôi thép nhập khẩu liên tục tăng kể từ đầu năm 2007 cho đến nay vẫn chưa có điểm dừng. Mức tăng tính đến ngày 5-3-2007 là 505-525USD/tấn (tùy nguồn nhập khẩu), cao nhất từ trước đến nay.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, nguyên nhân khiến cho giá phôi thép ngày càng tăng cao trong suốt thời gian qua là do nhu cầu xây dựng trên thế giới tăng mạnh, trong khi nguồn quặng sắt lại đang ngày càng cạn kiệt.

Hiện nay, phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc được chào bán ở mức giá 505-515USD/tấn, phôi thép của Nga chào bán giá từ 520-525USD/tấn (tăng 35-40USD/tấn so với tháng 12-2006).

Thép tăng giá và những tác động dây chuyền… ảnh 1

Giá thép lại tăng, sẽ ảnh hưởng tiến độ thi công hàng loạt công trình xây dựng trong năm 2007. Ảnh: Xây dựng khu đô thị mới An Phú - An Khánh. Ảnh: THÀNH TÂM

Bên cạnh đó, việc giá dầu mỏ gia tăng trong thời gian gần đây cũng đã làm cho chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến giá phôi thép trên thị trường thế giới nói chung tăng mạnh.

Giá phôi thép nhập khẩu tăng đã khiến cho giá thép xây dựng tại thị trường trong nước tăng theo.

Kể từđầu tháng 1-2007 đến nay, các công ty sản xuất thép xây dựng trong nước liên tục điều chỉnh tăng giá bán, và tính đến ngày 6-3, giá các loại thép xây dựng đã tăng thêm từ 200.000-300.000 đồng/tấn so với đầu tháng 12-2006 (giá thép xây dựng hiện đang được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến ở mức 8,2-8,7 triệu đồng/tấn chưa gồm VAT và chiết khấu).

Thực tế cho thấy, giá thép tăng cao đã có tác động rất lớn đến thị trường xây dựng. Ông Trần Quang Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1-Bộ Xây dựng) cho biết: mặt hàng thép chiếm 20%-25% giá thành của các công trình xây dựng.

Vì vậy, với mức tăng giá thép nêu trên, lợi nhuận mà các doanh nghiệp trong ngành buộc phải giảm là rất lớn. Về phía các nhà đầu tư dự án xây dựng (mà đặc biệt là các dự án nhà ở, chung cư, cao ốc…), họ cũng buộc phải tính toán lại giá bán sản phẩm khi giá thành xây dựng đội lên do giá của mặt hàng thép tăng cao.

Đó là một lý do để từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng loạt các dự án cao ốc văn phòng, căn hộ, chung cư cao cấp trên địa bàn TPHCM bỗng chốc tăng giá bán 10%-20% so với trước.

Về phía các công ty sản xuất và kinh doanh thép thì cho rằng, giá thép tăng cao cũng ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của họ, do sản lượng tiêu thụ giảm.

Thế nhưng, nếu không tăng giá thì không thể có lợi nhuận. Ông Đào Đình Đông, phụ trách Phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Thép miền Nam (đơn vị chiếm phần lớn thị phần thép phía Nam) cho rằng, khi đã vào WTO thì “những nóng, lạnh” trên thị trường thế giới đều có tác động ít nhiều đến thị trường trong nước. Vấn đề là chúng ta phải làm gì để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới mà thôi.

Chủ động để tránh biến động

Để giảm áp lực giá cao do bị phụ thuộc vào thị trường phôi thép thế giới, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhà nước cần phải giải quyết vấn đề này một cách căn cơ từ gốc.

Có nghĩa là cần phải nhanh chóng ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phôi thép, đẩy mạnh việc khai thác quặng sắt, xây dựng quy chế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu thép phế liệu để phục vụ sản xuất phôi trong nước…

Theo ông Phạm Chí Cường, hiện nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đạt khoảng 3,8-4 triệu tấn/năm (trong đó có 40% là nhập khẩu). Với con số này, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ nếu biết tận dụng thép phế liệu vào việc sản xuất phôi thép.

Ngoài việc khai thác quặng sắt để sản xuất phôi thép, tính đến nay, cả nước đã có 8 doanh nghiệp đầu tư sản xuất phôi thép để hạn chế sản lượng nhập khẩu bằng chính nguồn nguyên liệu là thép phế.

Thế nhưng, hiện nay nguồn thép phế trong nước mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu (khoảng 1 triệu tấn), còn 40% vẫn phải nhập khẩu.

Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp và ngành thép nói chung đang rất mong chờ thông tư hướng dẫn của Liên Bộ Thương mại Tài nguyên-Môi trường về quy trình và thủ tục nhập thép phế liệu (thông tư này đã được trình sau khi soạn thảo và lấy ý kiến doanh nghiệp nhiều lần). 

NGUYỄN THU TUYẾT

Xi măng cũng đồng loạt tăng giá

Các mặt hàng xi măng trên thị trường đã đồng loạt tăng giá. Ông Trần Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh Công ty Xi măng Hà Tiên 1 cho biết: Trước áp lực của việc giá than tăng (30%), giá điện sản xuất, giá xăng dầu cùng nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng, nên từ ngày 15-2-2007, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 đã tăng giá bán (xuất xưởng) xi măng từ 960.000 đồng/tấn lên 975.000 đồng/tấn.

Thị trường đã có phản ứng tức thời, với hàng loạt các nhãn hiệu xi măng khác cũng tăng theo (từ 14.000 đến 15.000 đồng/tấn).

Tuy nhiên, trả lời phóng viên Báo SGGP chiều ngày 6-3, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Xi măng Tây Ninh (nhãn hiệu Fico) khẳng định, xi măng Fico không tăng giá bán.

Một nguồn tin không chính thức cho biết, trên thực tế, ngoài việc Xi măng Hà Tiên 1 chính thức công bố tăng giá xuất xưởng thêm 15.000 đồng/tấn, việc tăng giá đồng loạt các mặt hàng xi măng được khởi xướng từ các đại lý và các nhà phân phối.

Lý do là để giảm chi phí sản xuất vì thời gian qua, các công ty xi măng đã cắt giảm đáng kể tỷ lệ chiết khấu hoa hồng cho họ. Điều đó khiến cho các nhà phân phối nâng giá bán lên để đảm bảo lợi nhuận cho mình.

Dự báo trong thời gian tới, giá bán xi măng có khả năng sẽ còn tăng cao hơn.

HIỀN VY

Tin cùng chuyên mục