KOL ảo - giá trị thật đến đâu?

Trên thế giới KOL (tạm dịch là người tư vấn quan điểm chính) ảo dù chỉ xuất hiện trong khoảng vài năm trở lại đây nhưng đang cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy, chỉ có điều, mọi thứ đang ở giai đoạn khởi đầu.
Tami - KOL ảo của AIOI Studio vẫn đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị ra mắt. Ảnh: AIOI Studio
Tami - KOL ảo của AIOI Studio vẫn đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị ra mắt. Ảnh: AIOI Studio

Xu hướng mới

“Mãi mãi trẻ đẹp và không scandal: Sự trỗi dậy của những người có ảnh hưởng ảo ở Hàn Quốc” là tựa đề bài viết được đăng tải trên tờ CNN. Bài báo dẫn chứng về hai trường hợp người có ảnh hưởng ảo (virtual influencers hay virtual KOL) là Rozy và Lucy khi cả hai đều có hơn 100.000 người theo dõi trên Instagram. Dù là sản phẩm của kỹ thuật số nhưng họ thường xuyên bị nhầm là con người thật. Theo Sidus Studio X - đơn vị thiết kế ra Rozy, cô ấy là sự pha trộn giữa thế giới thực và ảo đồng thời có thể làm mọi thứ con người không thể, nhưng ở dạng giống con người nhất. Ra mắt năm 2020, Rozy đã nhận về nhiều hợp đồng (trong đó có những thương hiệu xa xỉ như Chanel hay Hermes), sải bước trong các buổi trình diễn thời trang ảo. Thậm chí, cô còn phát hành hai đĩa đơn.

Là sản phẩm của công nghệ CGI (hình ảnh do máy tính tạo ra), thời gian gần đây những KOL ảo càng được biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, nhu cầu KOL ảo tăng cao vì nó giúp tiếp cận đến tệp khách hàng trẻ tuổi. Theo nhận định, ngành công nghiệp “người ảo” đang bùng nổ kéo theo đó là một nền kinh tế hoàn toàn mới. Baik Seung-yup - Giám đốc điều hành Sidus Studio X và Lee Bo-hyun - Giám đốc bộ phận kinh doanh của Lotte Home Shopping đều kỳ vọng cả Rozy hay Lucy có thể kiếm được số tiền lên đến hơn 1,5 triệu USD trong năm 2022. Một số KOL ảo nổi bật trên thế giới có thể kể đến: Rapper FNMeka (hơn 10 triệu người theo dõi trên TikTok), hay Lu of Magalu (hơn 6 triệu người theo dõi trên Instagram), Lil Miquela (gần 3 triệu người theo dõi trên Instagram)…

Ở góc độ chuyên gia, anh Dũng Bùi - Giám đốc chiến lược Accesstrade, một nền tảng Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết), cho biết, việc xuất hiện của những KOL ảo là một câu trả lời tất yếu góp phần giải quyết nhiều vấn đề. “KOL ảo sẽ không bị giới hạn về số lượng, hình thức quảng bá. Họ cũng chuyên nghiệp và đúng giờ tuyệt đối. Đồng thời có thể giúp thương hiệu tiết kiệm chi phí hơn vì không bị giới hạn ở phạm vi địa lý”, anh Dũng Bùi nhấn mạnh những ưu điểm.

Tiềm năng

Theo ông Thierry Nguyễn - CEO của AIOI Studios - đơn vị chuyên về kỹ xảo (VFX) và truyền thông, đồng thời chuẩn bị ra mắt KOL ảo có tên gọi Tami, KOL ảo là một luồng gió mới trong ngành truyền thông, nó không già đi theo thời gian và cũng sẽ không có rắc rối đời tư tác động xấu đến giá trị thương hiệu đang đại diện quảng cáo. Ngoài ra, hoàn toàn có thể tạo lập KOL ảo với bối cảnh, tính cách theo yêu cầu riêng của nhãn hàng, song hành với kế hoạch xây dựng hình ảnh của thương hiệu.

Ông Thierry Nguyễn cũng cho biết, ý tưởng xây dựng KOL ảo đến từ nhiều nguồn. Trước hết, từ chính lợi thế về chuyên môn kỹ xảo - lĩnh vực đơn vị này đang hoạt động - do đó đã được trang bị kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ để khởi đầu dự án. Đồng thời, quan trọng không kém là việc nhận thấy đã có những thành công nhất định về KOL ảo ở thị trường nước ngoài. Tami được lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam để xây dựng hình ảnh với lợi thế cạnh tranh là biểu cảm đa dạng, tự nhiên như người thật. Hiện AIOI đang liên kết với một công ty quản lý KOL có uy tín tại Việt Nam để xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường.

Có không ít lợi thế khi sử dụng KOL ảo, nhưng vì hình thức này vẫn còn mới mẻ cả trên thế giới và ở Việt Nam nên nhược điểm là điều không thể tránh khỏi. Giáo sư Lee Eun-hee đến từ Đại học Inha (Hàn Quốc), cho rằng, những người có ảnh hưởng ảo sẽ càng làm gia tăng tiêu chuẩn sắc đẹp vốn khắt khe ở Hàn Quốc, làm tăng nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ ở những người phụ nữ muốn bắt chước họ. Các tiêu chuẩn về đạo đức, nguy cơ chiếm đoạt văn hóa… cũng là các vấn đề được nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định là “mặt tối” của thị trường KOL ảo. Còn theo anh Dũng Bùi, hạn chế lớn nhất nằm ở sự chấp nhận của người dùng. Anh lý giải: “Với phần lớn người tiêu dùng, họ vẫn thích những giá trị thật, con người thật. Một con người ảo để quảng bá cho một sản phẩm thật sẽ gặp những trở ngại như vậy”.

Có 2 luồng ý kiến về việc liệu có xuất hiện cuộc cạnh tranh giữa KOL ảo và thật, một cho rằng cuộc cạnh tranh nếu có thì trước mắt sẽ không quá khốc liệt, vì về cơ bản KOL ảo vẫn còn rất nhiều hạn chế. Phía khác lại cho rằng, do khác biệt về bản chất, KOL ảo và thật sẽ không cạnh tranh mà còn có thể kết hợp cùng nhau trên các dự án phim ảnh, ca nhạc và tạo nên nhiều câu chuyện thú vị.

Tin cùng chuyên mục